Khuyến khích đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử

Cập nhật: 17-06-2021 | 08:41:24

Giải pháp đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho nhà nông mà còn tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân phát triển kinh tế ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

 Vườn măng cụt của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng bắt đầu vào vụ thu hoạch

 Giải pháp online

Những năm qua, nông sản Bình Dương tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhiều thương lái tìm về tận nơi để đặt hàng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương lái đến mua tại vườn ít hơn, sản lượng tiêu thụ giảm sâu. Đến nay, nhiều nhà nông vẫn đang loay hoay đi tìm đầu ra cho sản phẩm khi vườn cây ăn trái đã bước vào vụ thu hoạch.

Vườn cây của ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, diện tích hơn 1ha với khoảng 250 gốc cây măng cụt cũng trong tình cảnh khó tiêu thụ dù đã đến mùa thu hoạch. Chọn hái những trái măng ngả màu đỏ sẫm đầu mùa, ông Tỵ tâm sự: “Mấy năm trước, bình quân mỗi năm, vườn măng này thu hoạch từ 6 - 7 tấn, thu nhập dao động từ 200 - 300 triệu đồng/ vụ. Năm nay do thời tiết nắng mưa thất thường nên măng bị mất mùa, lại rớt giá và sức tiêu thụ cũng giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến khâu vận chuyển hàng nên thương lái ít đến vườn mua, thậm chí còn bị ép giá nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Không chỉ riêng vườn măng của gia đình ông Tỵ mà còn rất nhiều nhà nông ở huyện Dầu Tiếng cũng rơi vào cảnh tương tự. Họ đã tìm đến Hội Nông dân huyện nhờ hỗ trợ tìm đầu ra. Bà Lê Vân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang tìm đầu ra hỗ trợ bà con. Ngoài việc kết nối với các ngành, các địa phương trong và ngoài tỉnh, thời điểm này hội viên nông dân huyện cũng đang hỗ trợ bà con bằng hình thức bán hàng online thông qua tài khoản qua Zalo, Facebook cá nhân nhằm chia sẻ thông tin rộng rãi với hy vọng có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đang là định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, cần phải khuyến khích và tuyên truyền sâu rộng đến từng người nông dân. Ngoài các sàn TMĐT có thương hiệu như Lazada, Shopee, Tiki… Viettel Post Bình Dương và Bưu điện tỉnh là những đơn vị “chủ lực” hỗ trợ nhà vườn địa phương đưa hàng nông sản lên sàn TMĐT. Vừa qua, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tư vấn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng nông sản trên sàn TMĐT thông qua trang website Postmart. Ông Võ Văn Tín, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: “Dự kiến trước mắt sẽ ưu tiên các sản phẩm nông sản đạt chuẩn OCCOP. Thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động nhân viên ngành Bưu điện tỉnh phối hợp tư vấn, hướng dẫn nông dân cách đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, từng bước tự vận hành gian hàng hiệu quả. Qua đó, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc thù của từng địa phương” .

Thúc đẩy xúc tiến thương mại

Bưởi da xanh cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên vốn nổi tiếng từ lâu, được thị trường ở các thành phố lớn biết đến. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh, chính thức được đưa lên sàn TMĐT của Viettel Post Chi nhánh Bình Dương. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng, cho biết: “Bưởi Bạch Đằng thường cho trái quanh năm, nhưng bà con tập trung thu hoạch cao điểm nhất vào vụ giáp Tết Nguyên đán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ bưởi năm nay chậm hơn và giảm so với mọi năm. Để chủ động tìm đầu ra, năm ngoái chúng tôi đã thí điểm đưa hàng lên sàn TMĐT của Viettel Post. Thời buổi dịch bệnh, chúng tôi đã linh động tiêu thụ hàng qua nhiều kênh, trong đó lập trang fanpage trên tài khoản Facebook để bán hàng”.

Sở Công thương cũng đã phối hợp với các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm ở địa phương thông qua các nền tảng công nghệ số. Đây được xem là biện pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng là định hướng lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

 Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp, Sở Công thương: Sở Công thương đã và đang khẩn trương kết nối các doanh nghiệp phân phối với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản với sản lượng lớn đang gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời, sở phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ở các địa phương chủ động ứng dụng TMĐT để phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thời gian tới, ngành công thương của tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, các cấp đào tạo kỹ năng vận hành kinh doanh trực tuyến, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn giao dịch thương mại uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt là sàn TMĐT tỉnh Bình Dương (binhduongtrade.vn) dự kiến khai trương trong năm 2021.

 THU HƯỜNG - TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên