Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Cập nhật: 14-11-2019 | 10:33:19

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu tranh luận. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 14/11, với 90,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Quốc hội quyết nghị Tổng số thu ngân sách trung ương là 851.768.636 triệu đồng (hơn 851,768 nghìn tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531.364 triệu đồng (hơn 660,531 nghìn tỷ đồng).

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.069.568.636 triệu đồng (hơn 1.000 nghìn tỷ đồng), trong đó dự toán 367.709.919 triệu đồng (hơn 367,709 nghìn tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết nêu rõ Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quốc hội cũng giao Chính phủ phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, bảo đảm yêu cầu thời gian phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phân bổ trong điều hành ngân sách đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách, xác định được nhiệm vụ, nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay từ đầu năm.

Trong việc quản lý, điều hành, Chính phủ cần kịp thời thu hồi về ngân sách trung ương các khoản kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương còn dư hoặc hết nhiệm vụ chi theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cần chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Quốc hội cũng giao Chính phủ điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2020 được Quốc hội quyết định; chủ động thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2019; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Lê Thành Long phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2020; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành.

Đối với các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điều 30 của Luật Ngân sách nhà nước, phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hằng năm và nguồn tài chính khác để thực hiện, ngân sách trung ương không hỗ trợ.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Trước ngày 30/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đồng thời, trước ngày 31/12/2019 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.

Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục cơ chế giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ Giao thông Vận tải; phân bổ tăng thêm 2% dự toán số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách các địa phương nhận bổ sung cân đối so với dự toán năm 2019./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên