Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam – Ngày về nguồn 23-11: Quản lý và phát huy giá trị di tích

Cập nhật: 23-11-2015 | 08:46:28

Thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa, Bình Dương đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo các di tích (DT); đề nghị xếp hạng các DT, sưu tầm hiện vật lịch sử, văn hóa… Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến với mọi người để phát huy giá trị của các DT, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị DT của tỉnh.

Ban VHXH - HĐND tỉnh giám sát di tích rừng cao su thời thuộc Pháp Ảnh: H.THUẬN

Bảo tồn bằng cách trùng tu các DT

Bình Dương là vùng đất có kho tàng di sản văn hóa đóng góp quan trọng vào hệ thống di sản văn hóa của cả dân tộc. Hiện nay, Bình Dương có 52 DT lịch sử - văn hóa, trong đó có 12 DT xếp hạng cấp quốc gia, 40 DT xếp hạng cấp tỉnh với loại hình phong phú và đa dạng về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Đây là kết quả khẳng định quá trình bảo tồn, lưu giữ và phát huy di sản văn hóa của tỉnh, đồng thời khẳng định ý thức giữ gìn truyền thống và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Bên cạnh việc lưu giữ, công tác bảo tồn di sản được tỉnh đặc biệt chú trọng. Tính riêng giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí bảo quản, tu bổ, phục hồi DT hơn 405 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh khoảng 395 tỷ đồng, kinh phí xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng. Đến nay, các DT đang được trùng tu, tôn tạo để nhanh chóng hoàn thành phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, DT Chiến khu Đ (huyện Bắc Tân Uyên) được đầu tư trùng tu các hạng mục, xây dựng công trình phụ, bảo quản các hiện vật; DT lịch sử Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) đã tiến hành phục chế các sàn nhà giam, hàng rào bảo vệ, hệ thống tượng tù chính trị, các cai ngục, phòng trưng bày, tượng đài; DT Địa đạo Tam giác sắt (TX. Bến Cát) trùng tu trên quy mô lớn với Khu trung tâm quần thể tượng đài, nhà giới thiệu, nhà chứng tích chiến tranh, hệ thống địa đạo, các công trình phụ… Ngoài việc trùng tu DT, công tác Bảo tàng sưu tầm và gìn giữ di sản văn hóa đã có nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cao và khoảng 20.000 hiện vật các loại.

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL) cho rằng, từ năm 2011 đến nay các DT lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành trùng tu, tôn tạo theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và các văn bản pháp lý của các bộ, ngành nên công việc tiến hành một cách thuận lợi theo kế hoạch đã được duyệt. Phát huy những thành quả đạt được trong công tác bảo tồn di sản ở địa phương, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về các DT lịch sử -văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, như: Tiếp tục thực hiện Đề án: “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”; kiện toàn Ban Quản lý DT và tăng cường công tác quản lý nhà nước về DT và danh lam thắng cảnh.

Phát huy giá trị DT

Cách đây 66 năm, vào ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đến ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg lấy ngày 23-11 là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 23-11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống nhằm nêu cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời động viên các tầng lớp xã hội tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với việc trùng tu, đưa vào hoạt động các DT, bảo tàng, hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt khu DT lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt... đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ người Việt Nam nói chung và của người dân Bình Dương nói riêng. Bạn Nguyễn Minh Nhơn, sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một nói: “Em học sử nên rất quan tâm đến những sự kiện, DT liên quan đến lịch sử. Do đó, em đã tìm hiểu các điểm DT lịch sử, văn hóa trong tỉnh. Đến tham quan, tìm hiểu các điểm DT đã giúp em hiểu thêm về tinh thần đấu tranh của cha ông, những kiến trúc độc đáo từ thời xa xưa…”.

Tiếp tục thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về “Ban hành quy chế về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh”, tạo thế mạnh thu hút khách du lịch, tham quan tìm về nguồn và kết hợp du lịch sinh thái của địa phương, Ban Quản lý DT tỉnh đã tạo điều kiện cho thuyết minh đi học các lớp nâng cao nghiệp vụ; liên kết với Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… đưa học sinh, sinh viên, hội viên, nhân dân đến gần với các DT. Chỉ tính riêng năm 2015, tại Nhà tù Phú Lợi, Nhà cổ Trần Văn Hổ, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp hơn 40.000 lượt khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng ban quản lý DT và Danh thắng (Sở VH-TT&DL) cho biết, để thu hút người dân đến với di tích, Ban Quản lý DT sẽ bổ sung nội dung lý lịch, tư liệu, hình ảnh cho các DT; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tuyên truyền giá trị của các DT văn hóa, lịch sử cách mạng trong đoàn viên thanh niên; tiếp tục phối hợp thực hiện chương trình: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đối với các DT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào và tinh thần, trách nhiệm đối với việc gìn giữ các giá trị văn hóa trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương; đẩy mạnh công tác quảng bá rộng rãi hình ảnh, tiềm năng du lịch của Bình Dương đến đông đảo du khách; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc tại các DT, nhằm tăng tính hấp dẫn đối với khách tham quan.

 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên