Ký ức mùa thu năm ấy… - Bài 2

Cập nhật: 23-08-2016 | 08:23:31

Bài 2: Một thời tầm vông vạt nhọn

> Ký ức mùa thu năm ấy… - Bài 1

 Với đại tá Hồ Văn Nam, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương), sự chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám chủ yếu là động lực tinh thần, sức mạnh của lực lượng chính trị, ai cũng mong muốn càng sớm càng tốt thoát ra khỏi ách nô lệ của thực dân và phong kiến; nhận thức về sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng khi đó cũng còn khá hạn chế. Nhưng, lực lượng Thanh niên tiền phòng (TNTP) cùng các lực lượng khác luôn hừng hực khí thế cách mạng, sẵn sàng chiến đấu với địch… Đó chính là một trong những yếu tố giúp Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ tại địa phương.

 “Luôn muốn là anh lính Cụ Hồ”

Giờ đây, bước qua tuổi 90, trò chuyện với chúng tôi, đại tá Hồ Văn Nam bày tỏ sự mãn nguyện với quá khứ hào hùng. Ông bảo, cái quý nhất là giờ không bị đau bệnh gì nặng, ít tốn đồng tiền thuốc, thỉnh thoảng chỉ tốn vài ba ngàn mua thuốc cảm vặt! Đại tá Hồ Văn Nam tự hào nói: “Cả cuộc đời tôi cống hiến cho cách mạng. Sau giải phóng, nhiều người khuyên tôi chuyển ngành, nhưng tôi vẫn muốn là một anh lính Cụ Hồ. Và đến hôm nay, tôi có thể nói rằng, trải qua gần 70 năm từ ngày tôi tham gia bộ đội, qua biết bao bom rơi đạn lạc, qua biết bao trận chiến sinh tử… nhưng tôi vẫn kiên cường! Tôi tự hào rằng, theo lý tưởng của Đảng, tôi đã cống hiến hết mình, luôn biết học hỏi để luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó”.

Trò chuyện với phóng viên Báo Bình Dương, đại tá Hồ Văn Nam, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) cho biết: Vũ khí chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám còn rất thô sơ, nhận thức về sử dụng bạo lực cách mạng còn hạn chế, nhưng các lực lượng vũ trang của địa phương luôn hừng hực khí thế, sẵn sàng chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc .
Ảnh: Q.CHIẾN

Đại tá Hồ Văn Nam sinh ra và lớn lên ở xã Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Ông trưởng thành trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Cuộc sống người dân lầm than, đói khổ. Tuy không học cao nhưng với trình độ lớp 5 trường làng cũng đủ cho ông biết chút ít về thời sự, về tình hình đất nước. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đã gia nhập lực lượng TNTP ở TX.Thủ Dầu Một. Ngày 25-8-1945, ông cũng tham gia lực lượng xuống đường cướp chính quyền, giải phóng Thủ Dầu Một. Đại tá Hồ Văn Nam cho biết, ngay từ khi thành lập, Đảng ta chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng các đội tự vệ trên cơ sở cao trào cách mạng của quần chúng công - nông. Các đội tự vệ này làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng, khi điều kiện cho phép thì phát triển thành các đội du kích, lập quân đội công - nông, tiến hành vũ trang khởi nghĩa.

Ông Nam cho biết, tại vùng đất Bình Dương (bao gồm một số địa phương thuộc tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hòa xưa), các tổ chức Đảng Cộng sản ra đời từ rất sớm. Để bảo vệ cơ sở Đảng và các cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng, nhiều tổ chức Đảng ở Lái Thiêu, Tân Uyên, đồn điền Cao su Dầu Tiếng, Đề pô xe lửa Dĩ An… đã tổ chức những nhóm tự vệ bán vũ trang. Các đơn vị bán vũ trang này đã dùng vũ lực để chống địch đàn áp, bắt bớ bảo vệ những người biểu tình đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ trong những phong trào 1930-1931, 1936-1939. Tuy thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí ít ỏi, thô sơ, nhiều khi chỉ là tầm vông vạt nhọn, nhưng những đơn vị vũ trang tiền thân hừng hực ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Từ tháng 3-1943, tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của Thủ Dầu Một dần hồi phục. Lần lượt các đơn vị vũ trang được tái lập ở các địa phương. Các đơn vị vũ trang tự trang bị vũ khí bằng nhiều cách như lấy từ kho vũ khí của địch, mua hoặc đổi bằng lương thực, tước súng của bọn lính… Đặc biệt, đến giữa năm 1945, phong TNTP ra đời ở Sài Gòn và các tỉnh, thu hút hàng vạn thanh niên vào tổ chức bán vũ trang yêu nước. Và trong tháng 5-1945, lực lượng TNTP Thủ Dầu Một cũng được thành lập.

Ông Nam bảo, thời kỳ đó, các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, TNTP trong các làng của huyện Châu Thành (thuộc Thủ Dầu Một) tích cực luyện tập võ thuật, hoạt động tuyên truyền, cổ động biểu dương lực lượng. Đội tự vệ Lò Chén Phú Cường, TNTP Chánh Hiệp, Phú Hòa, Phú Mỹ, Định Hòa… hoạt động rất mạnh mẽ. Có nơi có từ 50 - 100 đội viên. Các đội TNTP tự trang bị vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, gậy tầm vông. Đặc biệt ở Phú Hòa, TNTP được trang bị hơn 10 súng lấy được của Nhật.

Sẵn sàng hy sinh

Trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, TNTP trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt. Đại tá Hồ Văn Nam nhớ lại: Ngày 24-8-1945, sau khi lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh lan rộng, lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ của Phú Cường và các làng phụ cận đã gấp rút xúc tiến công tác phục vụ cho ngày hội lớn của tỉnh vào sáng 25-8. Các đơn vị vũ trang tự vệ của Phú Cường, Phú Hòa, Chánh Hiệp được bố trí canh giữ các vị trí quan trọng, sẵn sàng ngăn không cho địch phá hoại. Và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thủ Dầu Một đã hoàn toàn thắng lợi. Từ đây, lịch sử chuyển sang một trang mới. Theo ông Nam, các đơn vị vũ trang của tỉnh ngày ấy tuy chưa được trang bị kiến thức quân sự, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí ít ỏi, thô sơ, chủ yếu là tầm vông, giáo mác nhưng cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng này hừng hực ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Có thể nói, đây là những đơn vị vũ trang đầu tiên đặt nền móng cơ sở cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn tỉnh sau này.

Vài tháng sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Nam về địa phương, rồi tham gia làm liên lạc ở xã. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một thanh niên muốn cống hiến, ông đăng ký tham gia bộ đội. Đến năm 1947, ông chính thức nhập ngũ. Ông Nam nói: “Tôi chỉ biết rằng, mình đi đánh giặc để giành độc lập, vậy là mình đi theo Đảng rồi đó. Từ lúc ấy, tôi hoạt động tích cực hơn. Không chỉ lo đánh giặc, tôi còn nhiệt tình dạy anh em học chữ, giúp đỡ anh em tận tình nên tôi đã được kết nạp vào Đảng. Trong ngày trọng đại đó, tôi tự hứa với bản thân mình: “Sẽ làm tất cả những gì mà Đảng yêu cầu, sẵn sàng hy sinh tính mạng để giải phóng dân tộc”. Và ông bảo, ông càng tự hào hơn khi được là người chiến sĩ Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một - một tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nên nhiều chiến công hiển hách, làm nức lòng người dân và cán bộ, chiến sĩ trong Chi đội 1. Đến cuối năm 1947, Chi đội 1 đã trở thành một chi đội mạnh về cả chính trị, tư tưởng, lực lượng, vũ khí, cũng như kinh nghiệm và khả năng chiến đấu. Quân số Chi đội 1 đã lên tới 2.000 người, trong đó có 142 đảng viên và 1.350 súng trường, 28 tiểu liên, 18 trung liên, 10 đại liên.

Chia tay ra về, đại tá Hồ Văn Nam trải lòng với chúng tôi: “Trải qua gần 70 năm tuổi Đảng, cũng là 70 năm tham gia cách mạng, qua biết bao bom rơi đạn lạc, qua biết bao trận chiến sinh tử… để đến ngày về hưu được phong hàm đại tá, tôi tự hào rằng: Với lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, tôi đã cháy hết mình, luôn biết học hỏi, không ngừng phấn đấu để luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ đã giao phó”. (còn tiếp)

 “Trải qua gần 70 năm tuổi Đảng, cũng là 70 năm tham gia cách mạng, qua biết bao bom rơi đạn lạc, qua biết bao trận chiến sinh tử… để đến ngày về hưu được phong hàm đại tá, tôi tự hào rằng: Với lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, tôi đã cháy hết mình, luôn biết học hỏi, không ngừng phấn đấu để luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Bác hồ đã giao phó”.

(Đại tá Hồ Văn Nam, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương)

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên