Kỳ vọng vào cây có múi

Cập nhật: 18-12-2019 | 08:04:43

Cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên đang là loại cây trồng giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, loại cây này còn giúp địa phương phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.

Thành tỷ phú nhờ cây có múi

Huyện Bắc Tân Uyên nằm ở phía đông bắc của tỉnh, với địa hình thuận lợi khi có 2 sông lớn là sông Bé và sông Đồng Nai chảy qua, tạo nên nguồn đất phù sa màu mỡ và nguồn nước tưới dồi dào cho cây trồng. Từ những thuận lợi về địa lý, ở các xã như Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ đã hình thành vùng trồng cây ăn trái có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy vùng đất này phù hợp để phát triển các loại cây trái có múi, UBND tỉnh đã lập quy hoạch khu vực các xã Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao.

 Vườn cây trái có múi đóng góp quan trọng để du lịch sinh thái huyện Bắc Tân Uyên tăng tốc. Trong ảnh: Trang trại cam sành hữu cơ Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm). Ảnh: XUÂN VĨ

Từ năm 2014 đến nay, huyện đã triển khai 5 dự án về điện, trên 10 dự án về thủy lợi và hàng chục dự án về giao thông với số vốn lớn nhằm phục vụ cho phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái nói riêng. Bên cạnh đó, công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp cũng được huyện quan tâm đầu tư. Điển hình, hàng năm Phòng Kinh tế phối hợp tổ chức 15 - 20 lớp tập huấn, chuyển giao 3 - 5 mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân.

 Lãnh đạo huyện cho biết việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa công nhận nhãn hiệu tập thể “Quýt Bắc Tân Uyên” sẽ tiếp tục tạo nên một bước tiến mới trong việc hình thành và quảng bá thương hiệu cây ăn trái có múi huyện nhà.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết tổng diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn là 2.439 ha, trong đó diện tích cây ăn trái có múi là 2.301,6 ha (tăng 70 ha so với năm trước). Có thể thấy cây có múi đang trở thành giống cây chủ lực của huyện, giúp nhiều nông dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Đến nay, toàn huyện có hơn 500 ha cây có múi đã cho thu hoạch, trong đó có hơn 100 ha sản xuất theo hướng VietGAP và hơn 60 ha đã được chứng nhận VietGAP.

Với gần 260 ha cam, hơn 300 ha bưởi đang cho thu hoạch với sản lượng bình quân trên 50 tấn/ha/năm, mang lại thu nhập từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm cho người dân. Nhiều nông dân gắn bó với cây có múi đã vươn lên thành tỷ phú như các ông Lâm Thành Thắng, Lê Văn Xê, Trần Kết Luận, Lương Văn Phụng, Lê Minh Sang...

Phát triển du lịch sinh thái gắn với cây có múi

Hiện Bắc Tân Uyên đang thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của huyện. Mục tiêu của đề án là tập trung xây dựng các điểm đến du lịch thu hút du khách; hình thành các tuyến, tour du lịch đưa du khách tham quan các vườn cây ăn trái kết hợp tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện; phấn đấu giai đoạn 2018-2020 tiếp đón 10.000 lượt du khách.

Việc thực hiện đề án này nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương; hình thành các sản phẩm du lịch gắn sản phẩm nông sản đặc trưng (cam, bưởi, quýt), qua đó tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Thực hiện đề án, địa phương đang phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái, du lịch miệt vườn trên địa bàn.

 Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các chủ đầu tư, sở ngành tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình như Khu tưởng niệm Chiến khu Đ, Khu di tích khảo cổ Dốc Chùa, khu Chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ, hồ Đá Bàn... Huyện cũng tập trung nguồn lực thực hiện tốt quy hoạch tổng thể nhằm thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Tân Mỹ, chia sẻ việc địa phương tận dụng vườn cây có múi để phát triển du lịch sinh thái đang được nhiều hộ nông dân đồng tình ủng hộ, bởi hiện nay du khách có xu hướng lựa chọn tour du lịch sinh thái. Lợi thế của Bắc Tân Uyên là được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, có 2 sông lớn bao bọc, cảnh quan lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Việc phát triển du lịch sinh thái sẽ đem lại giá trị gia tăng cao cho vườn cây có múi, giúp tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Xác định được những tiềm năng và lợi thế trong lĩnh vực này, từ khi thành lập đến nay Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Tân Uyên đã thực hiện chủ trương khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh hiện có của địa phương về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, trong đó có các loại hình du lịch sinh thái. Huyện đã và đang triển khai thực hiện một số dự án du lịch như Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ, Khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh, Khu du lịch sinh thái Hàn Tam Đẳng, Khu du lịch sinh thái Phước Lộc Thọ... Cùng với diện tích hàng ngàn ha cây có múi hiện có, du lịch sinh thái huyện nhà đang có nhiều cơ hội để bứt phát trong giai đoạn mới, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

 XUÂN VĨ - MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên