Kỳ vọng vào TPP!

Cập nhật: 07-10-2015 | 07:59:45

Sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng, sáng 5-10 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tối 5-10 theo giờ Việt Nam), tại thành phố Atlanta (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.

Với Việt Nam, việc tham gia TPP được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để nền kinh tế thay đổi và phát triển bền vững trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định, hiện nay 70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam sang các thị trường trong TPP, gia nhập TPP thị phần được kỳ vọng tăng gấp đôi; dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có thể đạt kim ngạch 55 tỷ USD vào năm 2025, sau khi thuế suất vào thị trường này về 0%; giúp GDP của Việt Nam có thể tăng 1 - 2%/năm; tạo ra hơn 6 triệu cơ hội việc làm trong ngành dệt may đến năm 2025…

Tại tỉnh Bình Dương, dệt may, da giày và gỗ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Chính vì vậy, tham gia TPP là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may, da giày, ngành gỗ vươn lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tham gia TPP thách thức cũng không hề nhỏ, đó là rào cản hàng rào kỹ thuật, ngân sách có thể bị thất thu vì các dòng thuế sẽ giảm dần về 0%, nguy cơ mất thị trường nội địa vì hàng nhập khẩu từ các nước gia tăng… Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định, thách thức lớn nhất cho nền kinh tế nước ta là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của chúng ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, ví dụ như chăn nuôi. Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.

Đối với tỉnh Bình Dương, một trong những thách thức lớn nhất khi tham gia TPP là nguy cơ đánh mất thị trường nội địa vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó đặt ra cho các doanh nghiệp trong tỉnh phải tăng tốc đổi mới công nghệ sản xuất, hội tụ được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ tay nghề cao, đồng thời tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ… nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, cùng với những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ Trung ương, địa phương cũng cần làm thật tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay; đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, dự án phát triển công nghiệp phụ trợ… nhằm giúp doanh nghiệp đứng vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi chúng ta tham gia TPP.

 HOÀNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên