Kỳ vọng về một kỳ thi đổi mới

Cập nhật: 02-07-2015 | 11:49:21

Hôm qua (1-7), gần 1 triệu thí sinh trong cả nước chính thức bước vào kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2015. Đây là kỳ thi đầu tiên với 2 mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT và lấy kết quả để xét tuyển vào các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ). Một kỳ thi đổi mới đầu tiên sau hàng chục năm chúng ta tổ chức song song 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH-CĐ.

 Việc lựa chọn và thực hiện phương án thi “2 trong 1” ngay trong năm nay được ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cho là phương án phù hợp nhất với điều kiện dạy và học hiện nay của các nhà trường phổ thông trên cả nước. Đồng thời, học sinh được lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, phù hợp với việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ mà các em lựa chọn để phát huy thế mạnh trong thi cử của học sinh.

Trước khi chốt phương án kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” này, xã hội đã tranh luận rất nhiều về việc chọn đổi mới thi cử theo cách nào. Và ngành GD-ĐT đã tìm ra phương án cho kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”. Từ 2 kỳ thi nay chỉ còn 1 kỳ thi thực sự là một sự thay đổi lớn. Thay đổi một thói quen đã tồn tại hàng chục năm nay, nhất là khi chưa biết kết quả cuối cùng ra sao chắc chắn không thể là điều dễ dàng. Tuy nhiên, vài ngày trước kỳ thi, trước các thành viên Chính phủ và Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cam kết sẽ không chủ quan, không để xảy ra sai sót. Chính điều này đã làm cho cả xã hội có cơ sở để yên tâm và kỳ vọng.

Việc đổi mới kỳ thi lần này sẽ không chỉ giảm về vật chất, thời gian cho người dân mà sẽ giảm được căng thẳng cho toàn xã hội. Cả xã hội đã sát cánh cùng ngành GD-ĐT để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Giờ đây, chỉ còn là vấn đề chờ đợi kết quả của kỳ thi, với tâm thế và kỳ vọng kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc, trung thực, thực sự giảm tải được gánh nặng thi cử cho xã hội và tìm được đầu vào tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Và vấn đề tiếp theo là chúng ta trông chờ kết quả của kỳ thi. Mọi lý thuyết, phương án và sự chuẩn bị, dù đã được coi là tối ưu đến đâu cũng chỉ có giá trị khi thực tiễn diễn ra đúng thực chất. Toàn thể xã hội đang hy vọng con em mình không phải là “phép thử” đổi mới của ngành GD-ĐT ở kỳ thi năm nay

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên