Lá thư của một cựu binh

Cập nhật: 29-04-2016 | 08:02:50

“… Sự hy sinh rất đỗi bi hùng của những chiến sĩ giải phóng quân và những dòng thư họ để lại như một bài ca bất tử của tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ…”, là cảm nhận của nhiều người khi đọc câu chuyện “Bức thư gửi lại người đang sống” được in trong hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà. Vừa qua, ông Trần Mạnh Báo, cựu chiến binh quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã gửi cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương một lá thư có nội dung liên quan đến sự hy sinh của 3 liệt sĩ trong câu chuyện của tướng Trà. Báo Bình Dương xin đăng lại nội dung lá thư.

 Lá thư của cựu chiến binh Trần Mạnh Báo gửi cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

 “Sáng nay tôi đọc trên mạng xã hội viết về câu chuyện “Bức thư gửi lại người đang sống”, tôi xin mạo muội ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc câu chuyện. Tôi đã run hết cả người và không cầm nổi nước mắt khi đọc bài này. Là một người lính đã trải qua những ngày tháng chiến tranh, những cái đói, cái rét, cái khát giữa rừng sau khi bị thương, tôi hiểu những điều các anh nói trong bức thư để lại trước khi ra đi. Các anh thật vĩ đại! Những gì chúng ta đã và đang làm cho đất nước thân yêu và nhân dân Việt Nam cũng không thể trả ơn sự hy sinh cao cả của những người con đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và hòa bình cho đất nước hôm nay. Các anh ra đi thật anh hùng, những bức thư các anh để lại là một bài học cho tất cả những ai trên cõi đời này về nhân cách sống. Bài học các anh để lại về tình yêu, về niềm tin và bình đẳng giữa các dân tộc và sự mong ước một tương lai tươi sáng của một thế giới, thậm chí một vũ trụ hòa bình đáng để chúng ta suy nghĩ học tập… Cầu mong các anh được siêu thoát về chốn cực lạc. Cầu mong những điều các anh mong ước sẽ sớm trở thành hiện thực trên cõi đời này. Cầu mong các cơ quan chức năng sớm tìm được quê quán, gia đình và đồng đội của các anh.

Sau khi đọc câu chuyện này, tôi cứ suy nghĩ mãi về mấy điều: Hiện nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang có bao nhiêu việc phải làm để giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc; giáo dục đạo đức xã hội, định hướng cho thế hệ trẻ. Tôi nhận thức rằng câu chuyện “Bức thư gửi lại cho người đang sống” chính là bản anh hùng ca hay nhất về con người Việt Nam mà tôi được biết. Cũng còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng hầu hết những ý kiến bạn đọc đều vô cùng cảm phục những người anh hùng trong câu chuyện này. Vậy thì sao chúng ta không phát động một chương trình học tập các anh trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ trong hoàn cảnh đất nước đang cần giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ Tổ quốc hiện nay như đã làm với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”… Những điều các anh để lại trong thư và sự ra đi của các anh có sức thuyết phục và giáo dục không kém những câu chuyện nổi tiếng trên thế giới.

 Hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà

Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa tìm được quê hương của các liệt sĩ, nên tôi mạo muội nêu mấy đề nghị: Bộ Quốc phòng cần có chương trình tìm kiếm quê hương cho các liệt sĩ; Đoàn thanh niên nên có kế hoạch học tập và làm theo tấm gương 3 liệt sĩ nêu trên như chương trình học tập và làm theo tấm gương liệt sĩ Đặng Thùy Trâm; tỉnh Bình Dương xem xét quản lý giữ gìn địa điểm 3 liệt sĩ đã hy sinh; các cơ quan thông tin đại chúng nên tuyên truyền sự hy sinh cao cả và nhân cách sống của các chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống…

Tôi biết các đồng chí bận trăm công ngàn việc, tuy vậy vẫn mong các đồng chí để tâm xem xét để các liệt sĩ ở nơi vĩnh hằng được an lòng. Tôi viết những điều này xuất phát từ đáy lòng một đảng viên, một người lính, người thương binh gửi đến các đồng chí, nếu có điều gì không phải kính mong các đồng chí lượng thứ. Chúc sức khỏe các đồng chí”.

Trước lá thư của cựu chiến binh Trần Mạnh Báo, vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Báo Bình Dương đã có cuộc họp nhằm tổ chức cuộc tìm hiểu nhân thân của 3 liệt sĩ nêu trong câu chuyện của tướng Trà là: Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; Trần Viết Dũng, quê Sài Gòn. Các anh thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con” của Trung đoàn Bình Giã chủ lực quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Cuộc họp thống nhất, việc tìm lại lịch của các liệt sĩ sẽ bắt đầu từ chính đơn vị mà trước đây các anh đã công tác là Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4.

Trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có buổi làm việc với Bảo tàng Quân đoàn 4, nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật, tư liệu của bộ đội. Trước sự việc mà chúng tôi nêu ra, thượng tá Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 4 đã bày tỏ sự cảm động và vô cùng tự hào về những người lính của thế hệ trước của Quân đoàn, họ đã không tiếc máu xương của mình cho sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Thượng tá Chương cho biết: “Đoàn Bình Giã năm xưa, tức là Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 ngày nay. Đây là đơn vị anh hùng, đã lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống Mỹ. Hiện bảo tàng chúng tôi còn lưu giữ rất nhiều tư liệu về Đoàn Bình Giã, các chiến dịch mà trung đoàn đã lập nên những chiến tích chói lọi như chiến dịch Bình Giã, Bàu Bàng, Đồng Xoài, Dầu Tiếng… Tuy nhiên, để xác minh được nhân thân của 3 liệt sĩ hy sinh ở đầu nguồn sông Đồng Nai trong chiến dịch Bông Trang - Nhà Đỏ mà tướng Trà đã viết lại trong câu chuyện của mình thì cần phải có thời gian và sự phối hợp của các đơn vị khác. Cụ thể ở đây là phải có sự vào cuộc của Phòng Khoa học quân sự và Phòng Quân lực. Hai đơn vị này sẽ giải mã được phiên hiệu quân sự của Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã - đơn vị của 3 liệt sĩ chiến đấu trong chiến dịch Bông Trang - Nhà Đỏ…”. Qua trao đổi, thượng tá Chương cũng khẳng định: Chưa thể kết luận đây là một câu chuyện theo thể loại hư cấu văn học hay là một sự thật lịch sử. Để có được câu trả lời chính xác cần phải có quá trình điều tra xác minh.

Bạn đọc thân mến! Sau kỳ nghỉ lễ 30-4, Báo Bình Dương sẽ trở lại câu chuyện này với sự tham gia trả lời phỏng vấn của những người trong cuộc, nguyên là các cấp chỉ huy của Trung đoàn Bình Giã. Bức thư để lại ở thượng nguồn sông Đồng Nai là câu chuyện như thế nào, hay mãi mãi là ẩn số của lịch sử, mời độc giả đón đọc ở các số báo tới.

 KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên