Bệnh TCM có biểu hiện gì và nguyên nhân do đâu? Loét họng, những nốt hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân là những biểu hiện điển hình của bệnh TCM. Theo thời gian các nốt hồng ban này biến thành các bóng nước, sau đó vỡ ra và đóng mài. Một số trường hợp hồng ban không mọc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân mà ở đầu gối, vùng mông và quanh hậu môn. Bệnh do siêu vi trùng gây ra. Hiện nay, người ta đã xác định được 2 loại siêu vi trùng gây bệnh này là Coxsackie virus và Enterovirus 71.
Bệnh TCM thường gặp ở lứa tuổi nào? Hơn 90% bệnh nhi bệnh TCM nhập viện đều dưới 5 tuổi. Bệnh nhi lớn tuổi nhất mắc bệnh TCM là 12 tuổi.
Bệnh TCM diễn tiến như thế nào? Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày. Một số ít trường hợp có biến chứng nặng như viêm não và viêm cơ tim.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh này? Hiện nay, do chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó để tránh nguy cơ lây nhiễm cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây: Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng; Lau sàn nhà, các bề mặt tiếp xúc, ngâm rửa vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh; Chỉ ăn thức ăn được nấu chín, uống nước đã đun sôi.
Những dấu hiệu nào cần đưa đến bệnh viện ngay? Một bé bị bệnh TCM cần đưa đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: Sốt cao (từ 38,5 độ C trở lên); Ói nhiều; Giật mình, hốt hoảng; Run chi, đi loạng choạng; Yếu liệt tay hoặc chân; Da nổi vân tím, đổ mồ hôi nhiều.
XUYẾN CHI (Theo báo cáo của BV Nhi Đồng 1)