Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Cập nhật: 05-11-2018 | 19:30:43

Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam, rà soát với các lực lượng khác có chức năng quản lý, tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn trên biển để tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật… Đây là những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam chiều 5/11.

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Tiếp đó Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Phát biểu khai mạc buổi thảo luận về Dự thảo Luật CSBVN, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Dự thảo Luật CSBVN đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý tại kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật CSBVN và đã giảm 7 Điều so với Dự thảo Luật lần xây dựng đầu tiên.

Tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ Luật CSBVN, nhất trí quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, song cũng có ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hoặc thuộc Quân đội nhân dân; có ý kiến cũng đề nghị quy định CSBVN thuộc Chính phủ. Cũng có ý kiến cho rằng, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là chưa thống nhất với Luật Quốc phòng; dễ gây hiểu nhầm CSBVN tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; gây nhạy cảm, khi có tranh chấp, xung đột trên biển, rất dễ bị thế lực thù định lợi dụng.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) tán thành theo dự thảo Luật, đó là CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của nhà nước, đồng tình kế thừa Pháp lệnh hiện hành, đồng thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định CSBVN là một trong những lực lượng “nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia”; thống nhất Luật An ninh quốc gia, nhằm khẳng định vị trí, vai trò của CSBVN là một trong những lực lượng chủ yếu trong bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.

Về quyền hạn của CSBVN, đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng, cần bỏ cụm từ “về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự tại Khoản 5 Điều 9 như Dự thảo Luật, vì trong luật tổ chức cơ quan điều tra và Luật tố tụng hình sự đã có quy định rõ các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có lực lượng CSBVN. Vì vậy Khoản 5, Điều 9 viết lại “tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật”.

Về nhiệm vụ của CSBVN, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, tại Khoản 2 Điều 8, Dự thảo Luật quy định CSBVN bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; Khoản 3 Điều 8 đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển; cần lưu ý Luật Thủy sản đã quy định chức năng của lực lượng kiểm ngư thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Điều 87 Luật Thủy sản. Nguồn lợi thủy sản là một dạng tài nguyên biển, việc khai thác thủ sản thực hiện trên biển. Vậy nhiệm vụ của CSBVN có chồng lấn với kiểm ngư hay không, đề nghị dự thảo luật cần làm rõ việc này.

“Việc thực thi pháp luật trên biển, Điều 13 Dự thảo Luật tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, các trường hợp dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát gồm 5 trường hợp như trực tiếp phát hiện, thông qua phương tiện kỹ thuật… theo tôi đây không phải là các biện pháp dừng mà chỉ là các hướng để CSBVN dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát, do vậy Khoản 1, Điều 13 được nghiên cứu đưa vào Dự thảo Luật phải chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật liên quan đến luật pháp quốc tế, quyền con người, quyền về tài sản…”, Đại biểu Phạm Đình Cúc phát biểu.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng về phối hợp hoạt động giữa CSBVN với các lực lượng khác, Chính phủ cần quy định chi tiết và rà soát để tránh chồng chéo về nội dung, bổ sung sự phối hợp giữa CSBVN với các bộ, ngành liên quan. Đặc thù biển Việt Nam rộng và nhiều khu vực chưa phân định rõ về lãnh hải. Nhiều khu vực có đường đi ở biển cách xa bờ hơn 100 hải lý với những nội dung, vụ viêc xảy ra thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan, đơn vị và cần phải quy định rõ về trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời CSBVN có chức năng, nhiệm vụ mang tính đặc thù, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, do vậy cần phải có sự phối hợp thống nhất để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

“Đây là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết, vì vậy việc uy định cụ thể, chi tiết về việc phối hợp hoạt động trong Dự thảo Luật nhằm xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong phối hợp, hiệp đồng xử lý kịp thời các vấn đề trên biển”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nêu ý kiến.

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, cần quy định rõ phạm vi cụ thể nội dung, nguyên tắc và trách nhiệm phối hợp giữa các lưc lượng thực thi pháp luật trên biển, xác định lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định. Đây là một bước tiến bộ so với Pháp lệnh hiện hành. Từ đó tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các văn bản dưới luật, ký kết các quy chế phối hợp giữa các lực lượng khác và CSBVN đảm bảo tính khả thi và áp dụng luật vào thực tiễn.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Cũng có ý kiến cho rằng, khi lực lượng CSBVN thực thi nhiệm vụ trên biển cần phải cân nhắc trên các căn cứ chắc chắn có thể dừng hoặc không dừng để kiểm tra, kiểm soát bao gồm các căn cứ: Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc dẫn đến dấu hiệu vi phạm pháp luật; không có phương tiện thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; có tố giác tin báo về hành vi vi phạm pháp luật; có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; người có vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.

Trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã giải trình và tiếp thu ý kiến những vấn các đại biểu Quốc hội nêu.

Theo ông Võ Trọng Việt, tại Dự thảo Luật quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định của pháp luật; đồng thời làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSBVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quôc hội đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Một số ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 1 là chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của một số lực lượng khác hoạt động trên biển và đề nghị quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi; có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “nòng cốt”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật quy định CSBVN là lực lượng chuyên trách của Nhà nước là kế thừa Điều 1 Pháp lệnh CSBVN hiện hành; thể chế hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định CSBVN là một trong những lực lượng “nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia”; thống nhất với Luật An ninh quốc gia, nhằm khẳng định vị trí, vai trò của CSBVN là một trong những lực lượng chính, chủ yếu trong bảo đảm thực thi pháp luật trên biển. Đối với Hải quân và Bộ đội Biên phòng, dự thảo Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp với CSBVN (khoản 2 Điều 22); đối với Công an, Kiểm ngư, Hải quân… có chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật.

Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục, chỉnh lý dự thảo Luật và sớm trình Quốc hội thông qua trong Kỳ họp này. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên