Làm thế nào để có một giấc ngủ ngon?

Cập nhật: 10-04-2018 | 08:13:21

 Mất ngủ đã được đề cập đến từ lâu và ngày càng trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến giảm trí nhớ khó tập trung chú ý, giảm sút khả năng lao động và hậu quả làm giảm chất lượng sống, tăng nguy cơ phát sinh một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc. Để khắc phục được những hệ lụy của bệnh mất ngủ, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bình Dương.

- Xin bác sĩ cho biết mất ngủ thường xảy xa ở những đối tượng, độ tuổi nào?

- Mất ngủ là trạng thái không thỏa mãn về số lượng hoặc chất lượng của giấc ngủ tồn tại trong một thời gian dài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của người bệnh.

Các rối loạn thường gặp trong mất ngủ bao gồm khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được hoặc tỉnh dậy nhiều lần khi ngủ. Hiện nay không dựa trên tổng số giờ ngủ để chẩn đoán bệnh mất ngủ. Ví dụ một người ngủ một đêm chỉ cần 4 - 5 tiếng mà thức dậy cảm thấy đã ngủ đủ, sảng khoái và không mệt mỏi thì không mắc phải bệnh mất ngủ.

Mất ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và nhiều nguyên nhân. Ở trẻ vị thành niên do học hành căng thẳng, thức khuya hoặc do lạm dụng chất kích thích hay rượu... Ở tuổi trung niên do căng thẳng trong việc làm, buồn phiền gia đình hay do bệnh tật gây ra. Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh thường hay mất ngủ do xáo trộn hormone sinh dục nữ. Ở người cao tuổi thường do cấu trúc giấc ngủ bị tuổi già thay đổi, bệnh mãn tính, bị trầm cảm…

- Làm sao để hạn chế được bệnh mất ngủ, thưa bác sĩ?

- Để điều trị bệnh mất ngủ việc trước tiên là thay đổi lối sống chúng ta, nên tránh lo âu căng thẳng và những thói quen làm xáo trộn giấc ngủ, tránh những chất kích thích như rượu, thuốc lá. Ngủ có giờ giấc, tránh thức khuya vì sẽ làm xáo trộn đồng hồ sinh học làm ảnh hưởng đến giấc ngủ… Nếu việc thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả trong việc cải thiện giấc ngủ thì chúng ta nên đến bác sĩ để được khám và điều trị. Việc điều trị có thể áp dụng các phương pháp như dùng thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền hoặc không dùng thuốc tùy theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị mất ngủ bằng các liệu pháp y học cổ truyền thường được áp dụng do hạn chế được sự lệ thuộc các thuốc tân dược, hoặc được dùng kết hợp để giảm liều thuốc tân dược sử dụng. Các phương pháp không dùng thuốc như: Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, liệu pháp thư giãn, dưỡng sinh… cũng rất hiệu quả trong điều trị bệnh mất ngủ.

Tóm lại, bệnh mất ngủ xảy ra ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân. Khi mới bị mất ngủ, chúng ta cần tìm cách để có giấc ngủ bình thường trở lại. Khi mất ngủ kéo dài thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Nếu chúng ta bị bệnh mất ngủ kéo dài thì nên tham khảo với bác sĩ để được điều trị đúng.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Một số bài thuốc dân gian chữa mất ngủ

Lá vông nem nấu canh. Tâm sen 8g, cách dùng: đun uống. Liên tâm 8g, Thảo quyết minh 20g, Hoa hòe 12g; cách dùng: sắc uống. Dùng 50g Toan táo nhân, giã nhỏ; đun sôi kỹ với 300ml nước trong 15 phút; cách dùng: uống hàng ngày trước khi đi ngủ. Lấy 100g cơm nhãn tươi với 200ml nước, nấu để nguội, dùng hàng ngày trước khi đi ngủ 30 phút. Dùng 200g táo đỏ tươi và 500ml nước, sắc lấy nước uống. Lấy 10g Quế khô trộn với 100g hạt sen tươi và 300ml nước, sắc uống. Dùng 50g đậu xanh và 10g đường phèn nấu kỹ với 200ml nước, dùng khi còn nóng. Mắc cỡ (trinh nữ) thường dùng nước sắc của mắc cỡ mỗi ngày dùng 20g sắc lấy khoảng 100ml uống mỗi tối trước khi đi ngủ…

 

HÙNG CƯỜNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên