Làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đô thị

Cập nhật: 12-09-2018 | 04:43:25

Trong những năm qua, Bình Dương thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị tỉnh nhà.

 Bảo đảm quy hoạch đúng tiến độ

Theo báo cáo, đến nay Bình Dương đã cơ bản hoàn thành công tác tham mưu, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành thực hiện, phục vụ cho người sử dụng đất. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện bảo đảm tiến độ, quy trình theo quy định của Luật Đất đai. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh và cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan chức năng đã tổ chức công bố, công khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy định.

 Trong những năm qua, Bình Dương thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đô thị tại địa phương. Trong ảnh: Một góc đô thị TP.Thủ Dầu Một .Ảnh: XUÂN THI

Việc lập quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm được địa phương công bố công khai lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức như thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc hội nghị, họp lấy ý kiến công khai. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu sử dụng đất giữa quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với chỉ tiêu theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; các chỉ tiêu được phê duyệt tại kế hoạch sử dụng đất hàng năm thống nhất so với chỉ tiêu quy hoạch sử đụng đất.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử đụng đất từ năm 2015 đến nay, cho thấy UBND tỉnh đã ban hành 27 quyết định phê duyệt và 18 quyết định điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhằm bảo đảm tính pháp lý thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Năm 2015, toàn tỉnh đã thực hiện giảm 6.526 ha đất nông nghiệp để chuyển sang đất phi nông nghiệp nhằm đáp ứng quỹ đất cho đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, diện tích đất nông nghiệp trong toàn tỉnh đã giảm 542,9 ha để chuyển sang đất phi nông nghiệp; năm 2017 diện tích đất nông nghiệp tiếp tục giảm 478,6 ha để chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, trong công tác giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được tỉnh thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tính từ ngày 1-7-2014 đến 31-12-2017, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 563 tổ chức, tương ứng với tổng diện tích 2.748 ha. Về thu hồi đất để thực hiện công trình, dự án, trong 3 năm 2015, 2016 và 2017 toàn tỉnh đã thu hồi 1.812 ha diện tích đất thực hiện 416 công trình, dự án. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được địa phương thực hiện tốt, góp phần từng bước hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh, hiện đại, phục vụ đa ngành, đa mục đích. Đến nay, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 99,8%.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, các chính sách, quy định pháp luật của Trung ương được UBND tỉnh từng bước cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế. Những văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành đã tháo gỡ đáng kể những tồn tại, khó khăn trong công tác, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong dân, từ đó tạo điều kiện cho công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thuận lợi. Điều đáng mừng là công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ngày càng được quy định chặt chẽ, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, thống nhất từng dự án và khách quan, để tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện phúc tạp. Qua đó đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân có đất bị thu hồi, góp phần để địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Ngoài ra, bảng giá các loại đất được tỉnh ban hành áp dụng ổn định 5 năm và thực hiện điều chỉnh khi cần thiết, tạo cơ sở pháp lý về tài chính đất đai trên địa bàn tỉnh. Bảng giá đất được tỉnh ban hành bảo đảm nguồn thu từ đất đai có chiều hướng gia tăng, góp phần đáng kể vào nguồn ngân sách của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vẫn còn một số hạn chế

Theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án; việc cưỡng chế thu hồi đất còn kéo dài. Cụ thể như việc triển khai công tác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn chậm, thời gian thực hiện việc xác định giá đất, cụ thể trong một số trường hợp còn kéo dài, chưa đáp ứng kịp yêu cầu về tiến độ để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Cùng với đó, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử đụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất còn phức tạp; việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường để phục vụ cho công tác xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn do người cung cấp thông tin về giá đất (người chuyển nhượng hoặc người được chuyển nhượng quyền sử dụng đất) không ký vào phiếu điều tra để xác nhận thông tin về giá đất đã cung cấp. Đồng thời, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án...

Theo UBND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nói trên là do lĩnh vực đất đai nhạy cảm, phức tạp, trong khi đó chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi; các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành, hướng dẫn kịp thời. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc áp dụng các phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, như thiếu thông tin giá đất thị trường, đội ngũ tư vấn định giá đất chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của công tác định giá. Ngoài ra, khung đất giá nông nghiệp chưa phù hợp, còn thấp so với giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường tại địa phương (đặc biệt là đối với đất nông nghiệp thuộc các phường, thị trấn, trung tâm đô thị…).

 Kết luận tại buổi giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh vừa qua, ông Huỳnh Thành Long, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đề nghị UBND tỉnh bổ sung các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế như báo cáo đã nêu, cũng như các bất cập trong quy định pháp luật liên quan để kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết. Ông cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh về chế độ, chính sách cho những người quản lý, chăm sóc rừng phòng hộ núi Cậu (Dầu Tiếng); Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra tình trạng phân lô bán nền; các sở, ngành phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai cho người dân…

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên