Làm văn thơ là phải... trông vào nhau mà viết!

Cập nhật: 18-12-2018 | 08:50:32

Đó là một trong những ý kiến trao đổi cùng các hội viên thuộc Chi hội Văn học tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn học và văn nghệ dân gian của nhà văn Hoàng Đình Quang (NXB Hội Nhà văn, ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách thơ, văn xuôi). Theo ông, hội viên phải nhìn quanh và tự đặt mục tiêu cho mình sao người ta viết được mà mình không làm được khi đó mới có động lực để làm công việc được coi là “làm thật, ăn chơi” và rất “khổ sai” này...

Viết văn, làm thơ tưởng như nhẹ nhàng nhưng thật sự khó khăn, vất vả. Bởi người viết phải luôn quan sát, lắng nghe đến mức hóng chuyện từ cuộc sống. Là một trong những thành viên Ban Giám khảo của các cuộc thi viết văn thơ do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức như Đất và người Bình Dương, Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ (giải văn học lớn nhất của tỉnh Bình Dương)... nhà văn Hoàng Đình Quang nhận xét rất chân tình về văn học Bình Dương.

Theo ông, so với các lĩnh vực nghệ thuật khác, văn học Bình Dương chưa phát triển ngang tầm. Một số tác phẩm khiến người đọc có cảm giác viết chưa sâu. Để văn chương trong tỉnh phát triển hơn nữa cần có những điều như: Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phải tổ chức nhiều cuộc thi tạo nên phong trào viết mạnh mẽ hơn. Đây là việc giúp các nhà văn, nhà thơ có cơ hội sáng tác, thể hiện tác phẩm của mình. Hội là tổ chức để hội viên nhìn vào nhau và sáng tác. Họ sẽ giao lưu học hỏi kinh nghiệm của nhau để từ đó công việc khó khăn này được thực hiện một cách chuyên môn hơn. Một điều nữa là “đọc và đọc”! Bạn không thể viết hay được khi không đọc nhiều. Phải đọc nhiều thể loại từ văn học, lịch sử đến các tài liệu cần thiết cho việc viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay làm thơ...

Viết là dùng ngôn ngữ để kể chuyện nên người viết cũng luôn phải làm chủ ngôn ngữ, không tùy tiện đưa văn nói bằng vào văn viết. Sự lộn xộn này gây nên sự khó chịu cho độc giả! Nhà văn Hoàng Đình Quang cũng nhấn mạnh rằng, phải hiểu văn chương mà trong đó tiểu thuyết là một kiểu “lao động khổ sai”. Không cảm nhận được, không có vốn sống từng trải, ngôn từ phong phú, tình tiết hấp dẫn thì khó có thể có được tác phẩm hay.

Cái khó của viết văn, làm thơ là phải có chất thơ trong tác phẩm. Chính chất thơ này gợi cho độc giả về những rung cảm tinh tế khi thưởng thức một bài thơ, một truyện ngắn. Chi tiết bất ngờ, thú vị cũng là những chất liệu đắt giá tạo nên sức sống cho tác phẩm. Chất thơ trong văn học phải có mới có thể lôi cuốn được độc giả đọc từ đầu đến cuối những dòng mà nhà thơ, nhà văn đã viết ra.

Văn học là nhân học. Văn chương thể hiện tư tưởng nhân vật và cũng là tiếng nói, tư tưởng mà tác giả gửi gắm. Và một khi, có được niềm đam mê viết văn, có được vốn sống đủ đầy mà chúng ta hay gọi là đi thực tế thì bạn hãy viết đi. Đừng ngại ngần gì hết bởi văn chương không ai giống ai. Cứ làm đi mới mong có được kết quả tốt đẹp từ công việc... gieo chữ của mình!

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên