Làn gió đổi mới & vị thế Bình Dương

Cập nhật: 07-02-2016 | 09:45:40

30 năm công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã kết tinh nên một Việt Nam phát triển và hội nhập. Việt Nam bước vào mùa xuân Bính Thân 2016 bằng một vị thế khác, rất khác so với 30 năm trước - những ngày cuối đông năm 1986 khi Đại hội VI của Đảng diễn ra. Với hàng loạt những quyết sách đổi mới táo bạo, mang tính thực tiễn cao, Đảng đã đưa đất nước thoát ra khỏi tình cảnh nghèo nàn, lạc hậu, thẳng tiến trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa bỏ hẳn nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành công rực rỡ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và tán dương.

Một góc thành phố Thủ Dầu Một về đêm. Ảnh: XUÂN THI

 

Lĩnh xướng tinh thần đổi mới, các thế hệ lãnh đạo Sông Bé - Bình Dương đã tập trung sức lực và trí tuệ, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khơi gợi và tận dụng tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nên một Bình Dương hiện đại, giàu đẹp, thân thiện, nghĩa tình!

30 năm đổi mới, 19 năm trở lại với tên gọi Bình Dương thân thương, trìu mến, vùng đất lửa bên dòng sông Bé thấm đẫm chiến công qua bao cuộc trường chinh giữ nước đã vươn vai, nâng tầm, song hành phát triển cùng đất mẹ Việt Nam. Xuân Bính Thân 2016 đã về! Nắng ấm đang trải rộng, len lỏi trên khắp hẻm phố, đường ấp. Bình Dương bước vào năm mới với bao dự tính, mục tiêu đã quyết và đặt trọn niềm tin…

Phải bắt đầu từ đâu khi đặt bút viết về vùng đất giàu chiến công trong thời chiến, năng động trong thời bình này? Văn hóa hay truyền thống, bề dày có sẵn. Kinh tế và hội nhập, thành công bội phần. Thôi thì… bạn cùng tôi song hành lữ khách, khám phá rồi cảm nhận vậy!

Hơn 19 năm trước, bạn biết không, tức là thời còn mang tên chung Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước bây giờ), làn gió đổi mới đã lan tỏa mạnh trên mảnh đất này. Nhưng trước thời điểm đó, Sông Bé, mảnh đất mang nặng hậu quả chiến tranh phải kìm nén trong “thân phận” tỉnh nghèo! Một địa phương thuần nông có giá trị sản xuất thấp, công nghiệp hầu như chưa có gì. Nhưng rồi làn gió đổi mới đến, bằng quyết sách “trải chiếu hoa, trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, mời gọi nhân tài, trí thức hội tụ, chung tay đã tạo nên sức bật mạnh mẽ, vươn tới những thành công ngoài tưởng tượng.

1Khoan hãy nói đến những con số kinh tế ấn tượng trước thềm xuân này mà phải bắt đầu bằng bước đổi mới đầu tiên, bước đột phá công nghiệp từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước. Tại thời điểm đó, với quyết tâm cao, Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần I quy mô, hiện đại đã ra đời. Đó là điểm khởi đầu, mang tính đột phá cao, tạo đòn bẩy cho chuỗi phát triển hàng loạt các KCN tầm cỡ về sau của Bình Dương.

 Bình Dương đang tập trung phát triển đô thị để hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Trong ảnh: Phố mới Bình Dương vào xuân. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Bây giờ, nhắc đến các KCN của Bình Dương, nếu không nắm vững sẽ rất khó để kể đúng, kể đủ tên gọi, bởi đã là con số nhiều, quá nhiều rồi. Sau Sóng Thần I là Bình Đường, Sóng Thần II, Việt Hương I, VSIP I… Sau này nữa có Đại Đăng, An Tây, Rạch Bắp, Tân Đông Hiệp, Nam Tân Uyên, rồi Mỹ Phước I, II, III, IV, Bàu Bàng… Tính đến thời điểm kết thúc năm 2015, Bình Dương hiện có 28 KCN tập trung với quỹ đất sạch lên tới gần 10.000 ha. Tỷ lệ cho thuê đất trên 65%, trong đó có nhiều KCN lấp đầy 100% diện tích. Bên cạnh đó Bình Dương còn có 8 cụm công nghiệp tập trung, đồng bộ hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư. Trên địa bàn tỉnh có gần 23.000 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư FDI trên 23 tỷ USD của hơn 2.500 dự án đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, cùng với gần 149.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đã hợp lực, tạo nên sức phát triển mạnh mẽ, bền vững cho kinh tế tỉnh nhà. Nên biết rằng, tổng thu ngân sách của Bình Dương năm 2015 đã đạt 36.000 tỷ đồng. Dự tính năm 2016 thu ngân sách 39.000 tỷ đồng. Bình Dương là một trong 5 tỉnh, thành phố đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.

Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, công nghiệp của Bình Dương đã lan tỏa mạnh mẽ ra địa bàn cả nước với những VSIP Hải Phòng, VSIP Bắc Ninh, VSIP Quảng Ngãi, mới nhất, trong năm 2015 vừa qua là VSIP Nghệ An và Khu liên hợp công nghiệp, đô thị Becamex - Bình Phước…

Chắc chắn một điều rằng, sức lan tỏa của công nghiệp Bình Dương không dừng lại ở đó, không bó hẹp trong 2 DN lớn là Becamex IDC và VSIP, bởi hàng chục ngàn DN trong và ngoài nước đang đứng chân trên địa bàn tỉnh đã và đang mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh ra các tỉnh, thành bạn và thị trường các nước. Nhiều KCN, đô thị, dịch vụ do các DN Bình Dương liên kết xây dựng ở các tỉnh, thành chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực về mọi mặt của kinh tế - xã hội nơi địa bàn đứng chân. Và như vậy, sau bài toán kinh tế phải tính đến trong quá trình đầu tư, dấu ấn công nghiệp Bình Dương ở các tỉnh, thành bạn lại càng sâu đậm, rất đáng để ghi nhận và tự hào! Với sức lan tỏa của công nghiệp Bình Dương, tính đan xen, tương hỗ rất cần phải nhấn mạnh, đó là làn gió đổi mới phát triển của cả nước tác động đến Bình Dương, để rồi sau đó, từ Bình Dương làn gió đó “thổi ngược” ra cả nước. Thành công đó, tầm ảnh hướng đó, không chỉ người Bình Dương nói mà chính lãnh đạo các tỉnh, thành, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã nhiều lần đánh giá và ghi nhận!

 Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) là đại hội mở đầu của sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Đại hội VI là một dấu ấn nổi bật, một mốc son trong lịch sử Đảng, nhất là từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Đổi mới tư duy là đổi mới nhận thức ở trình độ lý luận để khắc phục, vượt qua những hạn chế, khiếm khuyết, thậm chí là sai lầm của những nhận thức cũ, nhằm đạt tới những nhận thức mới, xây dựng tư duy lý luận khoa học, phản ánh đúng đắn, chính xác thực tiễn và có tác dụng thúc đẩy thực tiễn phát triển thông qua đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước dựa trên những luận cứ khoa học chính xác.

(Theo "30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam")

Hẳn những ai lần đầu đến với Bình Dương thật khó hình dung hết sức phát triển của công nghiệp trên mảnh đất này. Bao phủ từ Thuận An, Dĩ An, qua Tân Uyên, về Bến Cát là hàng chục ngàn nhà máy khang trang, hiện đại đang quay nhanh guồng quay công nghiệp để tạo ra giá trị tối ưu cho nền kinh tế tỉnh nhà. Bạn, cùng tôi và những ai cần tìm hiểu, hãy dạo một vòng để cảm nhận sắc màu công nghiệp nơi đây sinh động tới cỡ nào! Công nghiệp Bình Dương hôm nay không chỉ phát triển trên diện rộng mà đã đi vào chiều sâu. Tính bền vững bằng các ngành nghề có hàm lượng chất xám, công nghệ cao đang được phát triển mạnh, mang tính cạnh tranh toàn cầu.

Đề cập sâu về kinh tế công nghiệp Bình Dương là điều đương nhiên, bởi công nghiệp đang đóng vai trò chủ đạo với 60% trong cơ cấu kinh tế. Nhưng trong những năm gần đây, thương mại - dịch vụ của Bình Dương cũng có bước phát triển thần tốc đáng ghi nhận. Tỷ trọng kinh tế dịch vụ đã chiếm tới 37,3% trong cơ cấu, bên cạnh 2,7% là của nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng dịch vụ - thương mại của Bình Dương đã và đang thể hiện đầy đủ sự văn minh, hiện đại của một thành phố trực thuộc Trung ương trong nay mai. Bên cạnh hệ thống chợ truyền thống đang được nâng cấp, xây mới là nhiều trung tâm thương mại, siêu thị đã hiện diện đan xen, phù hợp. Một loạt các nhà bán buôn, bán lẻ tên tuổi toàn cầu đã có mặt. Với hệ thống này, người tiêu dùng Bình Dương, hàng triệu công nhân lao động cũng như hàng ngàn chuyên gia nước ngoài đang gắn bó với mảnh đất này không phải băn khoăn về dịch vụ tiêu dùng cho cuộc sống thường nhật.

2Chọn công nghiệp làm mũi đột phá trong phát triển kinh tế đã tạo nên tiếng vang và sự thành công mang “thương hiệu” Bình Dương. Chính từ mũi đột phá này đã làm đòn bẩy cho sự song hành tăng tốc của thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Và, mỗi khi kinh tế đã đủ tiềm lực, đó chính là điều kiện cơ bản nhất để Bình Dương tập trung cho lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị với quyết tâm cao độ, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, một thành phố đáng sống, thân thiện, nghĩa tình.

Bước đột phá cho tiến trình đi tới một thành phố trực thuộc Trung ương mà Bình Dương đang thực hiện đó chính là việc khởi động xây dựng Thành phố mới Bình Dương với hàng loạt công trình tạo lực vào năm 2014. Trong khoảng thời gian ngắn, Thành phố mới Bình Dương đã trở thành điểm nhấn hoàn hảo cho mục tiêu đã định. Khu vực trung tâm này giờ đây đang san sát phố mới, nhà mới, công trình mới. Trung tâm Hành chính tập trung của Bình Dương - biểu tượng của một chính quyền vì dân, minh bạch, thân thiện, hiện đại đã được đưa vào hoạt động, tạo hiệu ứng tích cực cho tiến trình phát triển mới, năng động, cởi mở, hội nhập. Cùng với công trình mang tính biểu tượng này, tại Thành phố mới Bình Dương đang hiện hữu hàng loạt công trình trên nhiều lĩnh vực, từ nhà hàng, khách sạn, khu phố thương mại, tài chính - ngân hàng, khu nhà ở cao cấp cho đến trường đại học, bệnh viện, khu công viên vui chơi giải trí, nhà thi đấu thể thao… tất cả đã và đang tạo nên một quần thể kiến trúc đô thị văn minh, phát triển.

 Công nghiệp Bình Dương phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế tỉnh nhà. Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty Thiên Nam

Đô thị Bình Dương phát triển không chỉ thể hiện ở khu trung tâm. Bình Dương - địa phương thuần nông ngày nào giờ đã thay đổi mạnh mẽ bằng màu áo mới rộng khắp trên cả địa bàn. Bên cạnh TP.Thủ Dầu Một hiện hữu, bên cạnh Thành phố mới Bình Dương đang vươn tầm là TX.Thuận An, TX.Dĩ An giàu sức sống công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Nâng cấp sau một thời gian ngắn đó là TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát cũng đang cho thấy sức phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Không thể không nhắc đến Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, vành đai xanh, vành đai nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, du lịch vườn đang khởi sắc từng ngày, đang chung tay góp sức quan trọng cho một thành phố Bình Dương đa sắc mai này.

3Nói đến sự phát triển vượt bậc của Bình Dương trong cả quá trình đổi mới, đặc biệt là sau 19 năm tái lập thì không thể không đề cập vai trò kết nối quan trọng của hệ thống giao thông liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Bằng nhiều nguồn lực, bằng nhiều cách làm, hệ thống giao thông của Bình Dương hiện tại được đánh giá là hiện đại bậc nhất cả nước.

 Đến nay Bình Dương có 1 đô thị loại II, 4 đô thị loại IV (có 2 đô thị đang hoàn tất nâng cấp lên loại III), 4 đô thị loại V và 5 đô thị mới được quy hoạch theo đúng định hướng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 76,9%. Công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị được chú trọng, lĩnh vực kiến trúc, nhà ở được quan tâm, hình thành nhiều công trình kiến trúc đa dạng, tạo lập bản sắc, nâng cao kiến trúc cảnh quan đô thị.

Quốc lộ 13, con đường lịch sử trong những năm đánh giặc giờ thênh thang 6 làn xe xuôi ngược mang tên đại lộ Bình Dương kết nối từ TP.Hồ Chí Minh về tỉnh Bình Phước anh em. Rồi đường Mỹ Phước - Tân Vạn, con đường tạo lực rút ngắn khoảng cách chuyên chở hàng hóa của hàng chục ngàn DN của Bình Dương ra các bến cảng để vươn khơi, hội nhập. Đan xen với các con đường chủ lực này là hàng ngàn km đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã được xây dựng đồng bộ, liên hoàn, thông thương đến tận thôn ấp trong toàn tỉnh. Tất cả đã đủ sức để “gánh” trên mình một nền kinh tế rất mạnh, nền kinh tế thuộc tốp đầu của cả nước.

Thay lời kết

Mảnh đất giàu chiến công thời giữ nước với những Chiến khu Đ, Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Thuận An Hòa, Nhà đỏ Bông Trang… vang danh một thuở. Mảnh đất của cây trái Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định nức tiếng gần xa. Mảnh đất của những địa danh, đình thần, nhà cổ văn vật trăm năm gói gọn trong bài viết chào xuân mới này chắc chắn rằng thiển ý chưa minh. Xin gửi lại đây một lời để ngỏ, mời bạn phương xa một lần cất bước ghé thăm…

CẢNH HƯỞNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên