“Làn gió mát” cho kinh tế trang trại

Cập nhật: 13-05-2017 | 18:59:55

Điều 129 Luật Đất đai năm 2013, quy định hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha, đã phần nào hạn chế sự phát triển của kinh tế trang trại. Chủ trương mở rộng hạn điền và tiến tới cho phép tích tụ ruộng đất của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua, cùng với Hội nghị Trung ương 5 thông qua các Nghị quyết đẩy mạnh kinh tế tư nhân như “làn gió mát” thổi vào kinh tế trang trại, hứa hẹn giúp nông dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đầu tư công nghệ để phát triển nông nghiệp.

Chính sách hạn điền mà Chính phủ đã và đang thực hiện trước hết là để quản lý đất đai vì mục đích công bằng giữa tất cả nông dân, thứ hai là để ngăn chặn việc hình thành tầng lớp “địa chủ mới” không trực tiếp lao động mà chỉ dùng đất để thu lợi. Tuy nhiên, chính sách này đã và đang bộc lộ những hạn chế cả về mặt thể chế chính sách cũng như thực tiễn. Hiện tại, có nơi nông dân tích tụ hàng trăm ha đất nhưng không công khai. Họ không phải là địa chủ mà là những chủ trang trại vừa có trình độ quản lý, nguồn vốn đầu tư, vừa có cả đầu ra cho sản phẩm. Những trang trại này tạo việc làm cho hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động nông thôn. Điều này cho thấy tích tụ đất đai mang lại lợi ích cho nhiều phía: Chủ đầu tư, lao động nông thôn và nền kinh tế. Đây chính là tiền đề để cải cách thể chế đất đai.

Mở rộng hạn điền là xu thế tất yếu, là tiền đề tiến tới một nền nông nghiệp sản xuất lớn. Có tích tụ đất đai mới có điều kiện để cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai sẽ dẫn đến tình trạng thu gom đất đai, hình thành tầng lớp “địa chủ mới”, dẫn đến việc người nông dân bị đẩy ra ngoài cuộc. Lo ngại này tuy có cơ sở, nhưng nếu nhìn lại mấy chục năm qua, trong khi tất cả nông dân đều có đất vẫn nghèo. Đất đai manh mún, sản xuất nhỏ lẻ và không theo định hướng thì cho dù có đất nông dân vẫn không thể khá hơn so với người làm công hưởng lương. Bằng chứng là đã có rất nhiều nông dân từ bỏ ruộng vườn để đến với các khu công nghiệp.

Tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền cho phép những nông dân có điều kiện hình thành những trang trại lớn, tiến tới hình thành doanh nghiệp tại nông thôn, tạo ra nhiều việc làm để nông dân có việc làm tại chỗ ngay tại quê hương mình. Theo thống kê, Việt Nam có 70% số dân sống ở nông thôn, 50% người dân làm nông nghiệp. Nếu quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra thì tương lai chỉ còn 5 - 10% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thay vì 50% như hiện nay. Số lao động nông nghiệp dôi dư sẽ được điều tiết cho các lĩnh vực khác đang cần lao động. Tích tụ đất đai còn mang tính tích cực là tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, hình thành các vùng chuyên canh, gắn kết với công nghệ chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ.

Lợi ích của việc tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền là đã rõ. Vấn đề còn lại là các bộ, ngành và địa phương nhanh chóng đưa các nghị quyết và chủ trương này vào cuộc sống.

LÊ QUANG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên