Lan tỏa văn hóa đọc và lòng yêu nước nơi vùng quê

Cập nhật: 26-05-2020 | 08:04:11

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cù lao Thạnh Hội (còn gọi là cù lao Rùa), thế nên, đến khi nghỉ hưu, ông Mai Sông Bé (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai) lại chọn mảnh đất quê hương yên bình, êm ả này để quay về sống an vui những tháng ngày tuổi già. Không chỉ là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lâu đời, mảnh đất cù lao Rùa hôm nay còn được tô điểm thêm bởi những nét văn hóa đọc và tình yêu đất nước, chủ quyền biển đảo quê hương qua thư viện tư nhân cùng con đường bản đồ hết sức ý nghĩa mà ông Mai Sông Bé đã dành tặng cho quê hương mình...

 Ông Mai Sông Bé sắp xếp lại những cuốn sách tại thư viện cù lao Rùa

Từ thư viện cù lao Rùa

Người già đến trẻ nhỏ nơi vùng quê này quen gọi vợ chồng ông Mai Sông Bé là ông bà Năm. Ngày nào cũng vậy, khi trời vừa rạng sáng, ông bà Năm đã dậy mở cửa thư viện, lục đục quét dọn từ trong nhà ra ngoài sân, sắp xếp lại sách, báo để chuẩn bị đón người yêu sách đến đọc. Thư viện cù lao Rùa là tên mà ông đã đặt cho thư viện tư nhân của mình ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Đây cũng chính là nơi ông bà Năm quay về sinh sống những tháng ngày tuổi già. Gần như toàn bộ không gian của tầng trệt, từ phòng khách đến lối đi từ nhà khách xuống nhà bếp và cả khoảng không gian trống của nhà bếp cũng đều đầy ắp sách với sách.

Khi mới mở cửa, thư viện có khoảng 2.000 cuốn sách. Đây là vốn tài sản tri thức hết sức quý giá mà ông tích góp được từ mấy chục năm đọc sách, báo. Người dân cù lao Rùa vốn có truyền thống hiếu học, ham đọc sách, báo. Thư viện cù lao Rùa ra đời sẽ góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc nơi vùng quê này, để mọi người có thêm điều kiện đọc sách một cách dễ dàng mà không phải đi đâu xa mới mượn được. Từ ngày ông mở thư viện này, nhiều bạn bè yêu sách từ quen biết tới chưa quen từ mọi miền Tổ quốc đã viết thư thăm hỏi, động viên, đồng thời gửi rất nhiều sách đến tặng thêm cho thư viện. Từ người lớn đến trẻ nhỏ ai cũng muốn những cuốn sách mình đã đọc, đang cất giữ được nhiều người biết đến nên đã gửi tặng thư viện cù lao Rùa. Người tặng có cả sách cũ lẫn sách mới, nhờ đó mà vốn sách ở thư viện cù lao Rùa nay đã tăng lên gần 10.000 cuốn.

Chia sẻ về việc mở thư viện cho người dân quê mình đọc sách, ông Mai Sông Bé cho biết, ông vốn lớn lên ở vùng đất cù lao Rùa này, một vùng quê nghèo nằm giữa sông Đồng Nai. Ngày xưa, nơi đây là một xã nghèo, thiếu thốn đủ thứ, nhất là văn hóa. Cho nên, sau khi học xong, đi làm việc đây đó nhưng ông vẫn luôn tâm niệm phải làm một việc gì đó có ý nghĩa cho quê hương. Vậy là sau khi nghỉ hưu, ông về quê mở thư viện tư nhân này để góp phần bồi dưỡng kiến thức, nhân cách cho giới trẻ, đưa văn hóa đọc đến với thanh niên và học sinh trong, ngoài xã.

Đến con “đường bản đồ”

Về với cù lao Rùa vào những ngày tháng 5 rực lửa, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng cung đường bản đồ rất độc đáo. Hơn một năm nay, con đường nhỏ băng ngang nhà ông Mai Sông Bé đã được tô điểm thêm bởi những tấm bản đồ cổ làm bằng chất liệu gốm sứ thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây cũng là một món quà ý nghĩa mà ông Mai Sông Bé dành tặng cho quê hương mình.

 Những tấm bản đồ gốm sứ được bố trí trên cung đường này, góp phần tạo thêm diện mạo mới cho vùng nông thôn mới Thạnh Hội hôm nay

Sau khi trao đổi và nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, ông đã chọn đoạn đường này để thực hiện ý tưởng của mình bởi dáng hình đoạn đường này cong cong, trông giống như dải đất hình chữ S của nước Việt Nam. Đường bản đồ dài khoảng 500m, với 40 bản đồ làm bằng chất liệu gốm sứ, đặt trên khung sắt cách mặt đất khoảng 1m. Tất cả bản đồ này đều được trích ra từ quyển sách “Hoàng Sa - Trường Sa, Luận cứ và sự kiện” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Và vì muốn nó tồn tại lâu hơn với thời gian, nên ông đã chọn chất liệu gốm sứ để thể hiện. Mỗi tấm bản đồ được làm bằng chất liệu gốm sứ, nung ở nhiệt độ 1.2500C nên đường nét rất sắc sảo. Ông chia sẻ việc làm tuyến đường bản đồ gốm sứ này nhằm giáo dục cho người dân địa phương, thế hệ trẻ hiểu thêm về chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam từ rất lâu đời. Với bất cứ người Việt Nam nào, Hoàng Sa - Trường Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Để con cháu đời sau ghi nhớ Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt của Việt Nam, trong quá trình còn công tác, ông Mai Sông Bé đã vận động xã hội hóa nguồn kinh phí để thực hiện 3 bộ bản đồ về chủ quyền biển đảo bằng gốm sứ. 40 bản đồ ở cung đường này là bộ bản đồ gốm sứ thứ 3. Trước đó, ông đã làm một bộ đặt ở Bảo tàng tỉnh Đồng Nai và một bộ đặt ở đảo Trường Sa Lớn. “Không chỉ người dân địa phương, mà nhiều người từ nơi khác cũng tìm về đoạn đường này để ngắm những tấm bản đồ gốm sứ, tìm hiểu thêm về chủ quyền biển đảo Việt Nam...”, ông Mai Sông Bé cho biết.

Với người dân xã Thạnh Hội hôm nay, mỗi ngày đi qua cung đường bản đồ chủ quyền biển đảo thiêng liêng ấy, vẻ đẹp của từng tấm bản đồ dọc theo tuyến đường uốn mình cong lượn như nhắc nhở họ phải luôn hướng về biển đảo quê hương bằng những việc làm thiết thực hơn, ý nghĩa hơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Hội hôm nay đang ra sức xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, phấn đấu làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc theo hướng “Xanh - sạch - đẹp - sáng”. Cung đường ý nghĩa này sẽ góp phần tạo thêm diện mạo mới cho vùng đất cù lao Rùa trên đường phát triển đi lên.

Ông Nguyễn Thanh Huyện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TX.Tân Uyên, cho rằng việc thực hiện bày trí bộ bản đồ bằng gốm sứ tại xã Thạnh Hội còn góp phần tạo điểm nhấn trong du lịch sinh thái tại địa phương. Đến đây thưởng ngoạn, du khách sẽ có dịp nhìn thấy một phần máu thịt của Việt Nam đã được cha ông ta lưu dấu từ ngàn xưa. Từ đó, thôi thúc trong tim mỗi người về ý thức giáo dục truyền thống, giáo dục đạo lý yêu nước cho con cháu mình mai sau.

 Theo bà Phạm Thụy Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, bộ bản đồ về chủ quyền biển đảo bằng gốm sứ này rất có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Sắp tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện loạt hình ảnh tuyên truyền về bộ bản đồ đang được đặt tại Bình Dương để tham gia Cuộc thi tuyên truyền về biển đảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Hy vọng rằng, những thông điệp ý nghĩa của những người thực hiện sẽ được lan tỏa rộng hơn, để Việt Nam có thêm sức mạnh khẳng định với thế giới về chủ quyền thiêng liêng đã định sẵn của dân tộc từ xa xưa.

 MINH HIẾU - HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên