Lặng lẽ sau tấm màn nhung

Cập nhật: 12-01-2015 | 11:23:59

“Sau một tiết mục biểu diễn có những tràng pháo tay của khán giả, chúng tôi luôn tự nhủ rằng, ít thôi nhưng chắc hẳn có phần nào đó dành cho mình”, đó là tâm sự của những người nhạc công Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh. Dù có thể những cống hiến của họ ít ai biết đến nhưng họ vẫn đang cháy hết mình với “lửa nghề”.

Một buổi luyện tập của dàn nhạc tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương. 
Ảnh: H.THỦY

Nỗ lực cho những đêm diễn

Có chứng kiến một buổi tập luyện của dàn nhạc công Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh mới thấy hết được đằng sau những đêm diễn là công cuộc luyện tập “khổ ải” như thế nào. Dù đêm hôm trước có thể là một buổi diễn phục vụ đến tận khuya, nhưng sáng hôm sau họ vẫn có mặt đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao để cùng nhau tập luyện, hỗ trợ cho các ca sĩ luyện giọng.

Hiện nay, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh có 7 nhạc công gồm: 2 ghi-ta, 2 đàn organ, 2 kèn, 1 trống và 3 nhân viên kỹ thuật… Ngoài ra còn có những cộng tác viên chơi đàn đá, đàn tam thập lục. Cái khó của dàn nhạc hiện nay là có sự khác biệt giữa các thế hệ nhạc công lớn tuổi và trẻ tuổi. Trong khi nghề này đòi hỏi tính phối hợp, phân chia vai trò, cùng tung hứng cho nhau rất cao. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian gắn bó cùng nhau, mỗi một người đã tự cố gắng kiềm chế tính “cá nhân” lại, làm việc với tinh thần tập thể. Dĩ nhiên, hòa nhập chứ không hòa tan, sáng tạo theo cảm xúc cá nhân nằm trong phạm vi cho phép vẫn luôn được khuyến khích. Dù ngồi góc khuất, không trực tiếp đối diện với khán giả như các ca sĩ, diễn viên nhưng áp lực trong công việc của người nhạc công cũng như đội ngũ kỹ thuật không hề nhỏ. Một sai lầm nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến tổng thể chương trình.

Niềm vui cống hiến

Các nhạc công hay các kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng vẫn luôn tự động viên nhau rằng mỗi một tràng pháo tay của khán giả sau một tiết mục, một chương trình, ít nhiều có phần nào đó dành cho họ. Họ vẫn thầm tự hào những nốt nhạc của họ góp phần làm nên vẻ đẹp của bài hát. Với những người nghệ sĩ chân chính, niềm vui không phải là ánh hào quang, là được khán giả nhớ mặt, thuộc tên, mà với họ đó là được làm việc hết mình và nhìn thấy những niềm vui, tiếng cười của khán giả. Nhạc công Lục Văn Thái (Thủ Dầu Một), chơi đàn organ, có thâm niên gần 40 năm trong nghề chia sẻ: “Có thể công sức của mình bỏ ra không được khán giả nhớ tới nhiều, nhưng mình làm với niềm đam mê và trách nhiệm. Chỉ cần khán giả vui là mọi vất vả cũng tan đi hết”. Bên cạnh niềm vui cống hiến, những nhạc công vẫn luôn mang trong mình tâm sự nghề. Nhiều hội thi, hội diễn toàn quốc có nhiều giải cho diễn viên, đạo diễn trong khi chỉ có vỏn vẹn một giải chung cho ban nhạc. Hơn nữa, còn quá ít cuộc thi cho các ban nhạc có dịp thi thố, học hỏi kinh nghiệm. Tết đến, xuân về, họ lại cùng với các ca sĩ, diễn viên bận rộn với những chuyến hành trình mang lại niềm vui cho công nhân xa quê, cho bà con trên khắp vùng miền.

HỒNG THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên