Lao động nữ khẳng định vị thế

Cập nhật: 15-04-2015 | 08:21:39

Bình Dương hiện có gần 900.000 công nhân viên chức lao động, trong đó có gần 60% là lao động nữ (LĐN). Không để thua kém “đấng mày râu”, LĐN không ngừng phát huy vai trò của mình trên các lĩnh vực, đưa ra nhiều sáng kiến, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, LĐN vẫn cần sẻ chia để hoàn thành công việc và xây dựng hạnh phúc gia đình.

 

 Bà Trương Thị Bích Hạnh (thứ ba, trái sang), Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng giấy khen cho LĐN trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2012-2014 Ảnh: T.LÝ

 LĐN tích cực đóng góp

Nhắc đến chị Nguyễn Thị Xuân, công nhân (CN) Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics VN (KCN VSIP I), mọi người tự hào vì có một LĐN táo bạo đưa ra hơn 200 sáng kiến giúp công ty, đồng nghiệp trong quá trình làm việc. Với những sáng kiến hữu ích, chị Xuân vinh dự là 1 trong 8 CN lao động trong KCN VSIP được nhận bằng khen tuyên dương “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” của UBND tỉnh năm 2013. Sáng kiến tiêu biểu, ghi dấu ấn của chị là cải tiến thao tác cắt đường bản lề của vật tư dùng để giữ cáp trong việc truyền tín hiệu.

Chị Xuân giải thích, ở chuyền kiểm tra vật tư đầu vào, khi CN đo kích thước, có một số vị trí phải cắt mẫu ra mới có thể kiểm tra. Yêu cầu đo ở những vị trí này là mặt cắt nên CN phải sử dụng dao lam - một loại dao nhỏ rất bén, nếu sử dụng không cẩn thận sẽ gây ra tai nạn lao động. Vì vậy, chị nghĩ ra ý tưởng dùng Jig (dụng cụ hỗ trợ CN kiểm tra vật tư, sản phẩm, giúp thao tác được thực hiện dễ dàng hơn). Với cải tiến này, CN chỉ cần phay block để giá vật tư vào, đo kích thước lưỡi dao đến vị trí cần cắt và cố định block bằng nam châm.

Không có bằng cấp nhưng chăm chỉ làm việc, ham học hỏi, chị Phan Thị Thu Vân đã trở thành tổ phó nhà kho Công ty TNHH Việt Nam TNT Fibers (TX.Thuận An). Để ban giám đốc, đồng nghiệp tin tưởng, chị đã nỗ lực trong công việc, đưa ra nhiều sáng kiến giúp các bạn CN trong công ty làm nhanh, đạt hiệu quả công việc. Chị được UBND tỉnh tặng bằng khen, CN lao động sản xuất giỏi năm 2014. Chị Vân nói: “Để có được thành công “đừng ngồi chờ sung rụng”, bản thân phải cố gắng thật nhiều. Không như những CN khác khi buông công việc là nghỉ ngơi, vui chơi, tôi nán lại làm thêm, nghiên cứu cách làm mới để công việc suôn sẻ, đạt hiệu quả cao. Từ đó truyền đạt kinh nghiệm lại cho anh chị em trong công ty”.

Trường hợp chị Vân, chị Xuân chỉ là một trong số nhỏ những điển hình LĐN vượt khó. Dù sống nơi “đất khách quê người” nhưng họ đã khẳng định vị thế của mình. Ngoài công việc trong công ty, họ còn là người vợ, người mẹ chăm lo hạnh phúc gia đình. Chị Huỳnh Thị Thúy An, CN Công ty TNHH May mặc Cerie Bình Dương (TX.Thuận An) cho biết, bản thân là nữ, dù ngoài xã hội mình có giỏi nhưng về với gia đình cũng phải hoàn thành vai trò là vợ, là mẹ. Chị chia sẻ thêm, trong gia đình, người phụ nữ luôn là người giữ hạnh phúc, do đó phải thật sự khéo léo để “chiếm lĩnh” tình yêu của chồng, con. Để các thành viên trong gia đình chia sẻ công việc nhà, người phụ nữ cần phải có nghệ thuật.

Cần lắm sự sẻ chia

Theo bà Nguyễn Thị Lang, Trưởng phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, so với lao động nam, LĐN chịu rất nhiều sức ép về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi. Bởi vì, ngoài việc bảo đảm thời giờ làm việc ở DN theo quy định, LĐN còn phải dành nhiều thời gian để làm những công việc cho gia đình, điều này ảnh hưởng rất nhiều về thời gian nghỉ ngơi của họ. Do đó đã có một số điều luật, nghị định của Chính phủ đưa ra nhằm chăm lo, sản sẻ khó khăn, vất vả cho LĐN.

Đặc biệt, thực hiện chính sách đối với LĐN theo Nghị định số 23/CP ngày 18-4-1996 của Chính phủ, các DN trên địa bàn tỉnh sử dụng nhiều LĐN đều thực hiện tương đối đầy đủ theo quy định của pháp luật, như xây dựng nhà tắm riêng cho nữ, khám sức khỏe định kỳ, nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh. Một số DN có đông LĐN đã xây dựng và tổ chức các lớp giữ trẻ hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho con em LĐN nhằm góp phần ổn định tình hình đời sống, giúp họ an tâm làm việc, điển hình như Công ty TNHH Hài Mỹ Nhà máy Sài Gòn, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty TNHH Yazaki EDS… Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng khẳng định, việc sử dụng nhiều LĐN cũng có những mặt thuận lợi cho DN. Bởi, họ rất cần cù, chịu khó, khéo tay, tuân thủ tốt kỷ luật lao động và không cần trình độ tay nghề. Với hơn 70% là LĐN, công ty đã có nhiều chế độ chăm sóc sức khỏe, chế độ ưu đãi để họ yên tâm lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đối với LĐN theo Nghị định số 23 vẫn còn một số vướng mắc DN chưa thực hiện được. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất nên rà soát, đánh giá và sửa đổi những quy định về chính sách LĐN cho phù hợp với thực tiễn; khen thưởng đối với các DN thực hiện tốt các chế độ chính sách quy định về LĐN. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách và huy động các DN từng bước đầu tư xây dựng nhà trẻ mẫu giáo, nhà ở, khu vui chơi giải trí cho CN đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; đơn giản hóa thủ tục giải quyết miễn giảm thuế cho DN sử dụng đông LĐN. Các chi phí cho LĐN không tính vào chi phí sản xuất mà cần được Nhà nước chiết khấu lại cho DN sau khi tính thuế…

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên