Lao động tự do: Nhiều thiệt thòi, hiểm nguy rình rập 

Cập nhật: 02-11-2015 | 08:04:27

Không được tham gia các loại hình bảo hiểm, không được trang bị bảo hộ lao động cũng như tập huấn về an toàn lao động đã và đang khiến nhiều người làm nghề lao động tự do đối diện với những nguy cơ về bệnh tật và tai nạn nghề nghiệp.


Thợ xây không được trang bị bảo hộ lao động tại một công trình xây dựng

Tại các công trình xây dựng, nhất là xây dựng nhà dân quy mô nhỏ không khó để chứng kiến hình ảnh những người thợ xây đang vắt vẻo, đứng chênh vênh trên giàn giáo cao, ván kê làm giàn đứng bấp bênh để xây và tô tường nhưng không đeo dây bảo hiểm, không mũ bảo hộ… và bên dưới cũng không có lưới chống rơi, lưới đỡ bao bọc. Người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, không được trang bị bảo hộ lao động và hầu như không được hưởng các chế độ theo quy định như được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ở một công trình xây dựng nhà dân ở khu dân cư đô thị thuộc phường Đông Hòa, TX.Dĩ An, Bình Dương, tôi bắt chuyện với một thanh niên đang phụ hồ ở đây. Thanh niên này cho biết tên là Lê Văn Quyền (20 tuổi, quê Thanh Hóa), làm phụ hồ mỗi ngày được trả công nhật 250.000 đồng. Ngoài ra không có bất cứ chế độ nào khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… “Em mới từ quê vào đây làm được gần 2 năm, em làm đủ thứ nghề miễn có tiền để trang trải cuộc sống là được. Nghề phụ hồ cực lắm, cát đá rơi vãi trúng là chuyện thường, nhưng thu nhập thế này cũng tạm ổn. Mình không có học hành gì, phải vậy thôi chứ biết làm sao”, Quyền nói.

Làm việc trong môi trường độc hại, không có phương tiện bảo hộ, nhiều lao động tự do như công nhân xây dựng ở các công trình nhà dân, công nhân vệ sinh dân lập… có thể mắc bệnh nghề nghiệp bất cứ lúc nào. Đã vậy, họ khó tiếp cận việc chăm sóc y tế do không có bảo hiểm y tế nên khi đổ bệnh họ không biết dựa vào đâu. Đặc thù của phần lớn lao động tự do là công việc không ổn định, nay đây mai đó, sẵn sàng làm “thợ đụng” để có tiền trang trải cuộc sống. Đã vậy, nhiều lao động tự do di cư đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội cũng như các chế độ chính sách về an sinh xã hội.

Cả nước có tới 36 triệu lao động làm việc ở khu vực phi chính thức và phần lớn đây là những lao động tự do, nhưng đa phần họ đều nằm ngoài diện bao phủ của các chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê, tại Việt Nam, lao động phi chính thức chiếm tới 63% trong tổng số lực lượng lao động và đóng góp 20% GDP của quốc gia, chiếm hơn 70% số giờ lao động của quốc gia. Tuy lao động trong khu vực phi chính thức có sự đóng góp lớn như vậy nhưng các chế độ thụ hưởng của họ không tương xứng, nhất là các chính sách an sinh xã hội và việc tham gia các loại hình bảo hiểm.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay chỉ có hơn 210.000 lao động thuộc khu vực phi chính thức có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 0,65% tổng số lao động không làm công ăn lương. Trong đó, hầu hết là những người đã từng tham gia bảo hiểm bắt buộc, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ thời gian đóng bảo hiểm và hưởng trợ cấp hưu trí. Hầu hết các lao động tự do khó có thể tiếp cận các loại hình bảo hiểm để lo cho bản thân và trang trải cuộc sống khi về già. Do thu nhập thấp, không ổn định nên phần lớn người lao động chỉ lo cuộc sống trước mắt, không cần quan tâm đến các loại hình bảo hiểm cho tương lai về sau.

Lao động tự do có nhiều hình thức, có những lao động tự làm việc cho chính mình và tự kiếm sống; có lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp dưới hình thức lao động thời vụ, làm khoán công… Lao động tự do làm việc tại các cơ sở sản xuất, ngoài việc không được hưởng các chế độ an sinh phúc lợi, còn không được chủ sử dụng lao động thực hiện các quy định về pháp luật lao động như: Xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động; khám sức khỏe định kỳ; chế độ trợ cấp khi làm việc nặng nhọc, độc hại. Do đó, những lao động này rất thiệt thòi so với lao động chính thức được ký hợp đồng lao động, được đóng các loại hình bảo hiểm và nhiều quyền lợi khác.

Một tín hiệu vui cho những người lao động tự do là Quốc hội đã thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Trong đó, quy định lao động tự do nằm trong nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là đối tượng điều chỉnh của luật. Cụ thể, khoản 3 Điều 6 Luật ATVSLĐ quy định rõ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền như: Được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ; được huấn luyện ATVSLĐ khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, lao động tự do được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và sẽ được hỗ trợ về mức đóng do Chính phủ quy định.

TRƯỜNG GIANG

(Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên