Lễ hội đầu năm và những điều trông thấy!

Cập nhật: 05-03-2018 | 08:31:42

Lễ hội đầu năm là hoạt động văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh của người Việt. Chính vì vậy mà cứ bước vào những ngày đầu năm mới là nhiều người tham gia lễ hội hoặc đến chùa thắp nén hương thơm cầu mong cho bản thân, gia đình một năm mới có thêm nhiều điều tốt đẹp. Người già cầu sức khỏe, người trẻ cầu tình duyên, người kinh doanh cầu làm ăn phát đạt. Rộng hơn, người đi chùa hoặc tham gia lễ hội đầu năm còn bày tỏ tấm lòng thành cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Điều đó là bình thường. Và, bên cạnh những điều bình thường vẫn còn đó những điều bất thường!

 Đi chùa, tham gia lễ hội đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh, mà còn là truyền thống lâu đời của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Đến chùa ngoài việc hành lễ cò là dịp tự răn mình về đạo đức làm người, từ đó sống tốt hơn, biết yêu thương giúp đỡ người khác, biết san sẻ cho người gặp tai ương, hoạn nạn. Đến chùa còn là để gặp gỡ các bậc chân tu nhờ hướng dẫn và chỉ dạy cho cách sống an vui, thanh thản và hạnh phúc. Đi chùa còn hàm chứa một triết lý sống sâu sắc là dung hòa giữa đạo với đời, hướng đến chân, thiện, mỹ và học cách sống từ bi, hỷ xả, chuyên tâm làm điều thiện, tránh điều ác để xã hội ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, có không ít người đầu năm tham gia lễ hội hay đi chùa chỉ để cầu lợi, cầu danh. Thông thường họ là người chỉ biết sống vì mình, tính tình ích kỷ, bủn xỉn, sợ người hơn mình, ít làm điều thiện hoặc giúp đỡ người khác. Vì vậy nên không ít lễ hội đã xảy ra tình cảnh xô đẩy, chen lấn, giẫm đạp lên nhau đến sứt đầu, mẻ trán chỉ để tranh cướp… lộc! Người đi chùa, trẩy hội đầu năm để cầu lợi, cầu danh cũng là người mê tín nên ít khi bỏ qua việc xem vận mệnh từ các “dịch vụ” coi chỉ tay, bói bài, xin xăm, bói quẻ… Và khi thấy những điều “cầu được, ước thấy” thì năm sau khệ nệ ôm lễ vật đến chùa hay nơi diễn ra lễ hội để trả lễ, từ đó càng làm nảy sinh tệ nạn mê tín, làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội.

Trong dòng người đi chùa hay tham gia lễ hội đầu năm để cầu lợi, cầu danh có người học cao hiểu rộng, là công bộc của dân và trường hợp 7 cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) đi lễ vào giờ hành chính vừa bị tạm đình chỉ công tác là một ví dụ. Những người này đến chùa hay tham gia lễ hội đầu năm chỉ cầu giữ được công danh và thường kèm theo lời hứa với thánh thần sẽ lễ tạ vào năm sau nếu lời cầu linh hiển. Họ thường sử dụng giờ công, của công, xe công và có khi tổ chức cả đoàn cùng đi, bỏ mặc công việc ở cơ quan, công sở đang chờ giải quyết. Trong khi, công việc họ đang làm là do dân tín nhiệm, đồng lương họ đang hưởng cũng từ tiền thuế của dân. Những cán bộ, công chức không biết chăm lo cho dân mà chỉ chăm chắm vào việc cầu mong thần thánh ban ân điển là điều quá bất thường, cần nghiêm trị.

Chỉ với việc tham gia lễ hội, đi chùa đầu năm cũng hàm chứa nhiều điều, đáng để suy ngẫm lắm thay!

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Lễ hội

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên