Lê Hùng Dũng: Người chiến sĩ trên mặt trận điện ảnh thời chiến

Cập nhật: 11-04-2015 | 09:13:33

Trong chuyến đi tìm gặp lại những người từng công tác trên mặt trận nghệ thuật, điện ảnh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đặc biệt ấn tượng với thương binh Lê Hùng Dũng. Xin chân thành cảm ơn ông về câu chuyện xúc động, được chia sẻ lại qua dòng hồi tưởng đầy cảm xúc...

 Ông Lê Hùng Dũng (bìa phải) cùng Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã Long Nguyên (TX.Bến Cát) Ảnh: SONG ANH

 Tháng 10-1965, Bạch Văn Hiệu mới 16 tuổi, đã thoát ly gia đình, tham gia phục vụ cách mạng giữa lúc giặc Mỹ đang đánh phá ác liệt. Tham gia Đoàn Điện ảnh, cậu bé Hiệu được chú Út Quánh (Trưởng đoàn lúc bấy giờ) đặt lại cho một biệt danh khác là Lê Hùng Dũng. Cái tên này chính thức theo anh công tác tại Đoàn Điện ảnh ở Cần Nôm, Bến Súc rồi Ban Tuyên huấn thuộc C7 Phân khu 5 đóng tại Chiến khu Đ. Nhiệm vụ của Dũng cùng đồng đội lúc đó là đưa thông tin, hình ảnh, các thước phim về những trận đánh, chiến thắng của bộ đội ta đến với người dân. Cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân ta đã được Hùng Dũng và đồng đội ghi lại trong những thước phim đầy cảm xúc như Đồng Xoài rực lửa, Chiến thắng Gò Gao, Sân bay, Đường ra phía trước…

Theo lời kể của ông Hùng Dũng, trong thời gian công tác ông đặc biệt ấn tượng và cảm động sâu sắc với thước phim “Đồi gió”, xoay quanh câu chuyện về một người chị theo cách mạng, ra sức vận động người em là lính quốc gia, quay về với chính nghĩa, gia nhập lực lượng cách mạng. Như bác Hồ từng nói, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy...”. Những thông tin, hình ảnh mà Hùng Dũng cùng đồng đội trong Đoàn Điện ảnh mang đến phục vụ người dân lúc đó góp phần rất quan trọng vào việc giáo dục lý tưởng, giác ngộ cách mạng trong quần chúng nhân dân.

Theo hồi tưởng của cô Nguyễn Thị Phương Dung (đồng đội cũ của ông Hùng Dũng tại Đoàn Văn công C7), trong một lần đi phục vụ bà con về, anh em phải nghỉ qua đêm tại một căn hầm ven đường. Do đông người, Đoàn Văn công tách riêng sang căn hầm gần đó. Trong đêm, một trận bom B52 của Mỹ đã ném xuống đúng căn hầm nơi hơn 10 anh em đồng đội Đoàn Điện ảnh đang nghỉ chân... Lúc ấy, Lê Hùng Dũng cùng một đồng đội đang nhận nhiệm vụ khác nên may mắn sống sót. Nhưng sau trận đó, máy móc chẳng còn, Hùng Dũng phải tạm chuyển về công tác tại C7.

Tháng 8-1972, Hùng Dũng bị trọng thương trong một chuyến công tác. Dưỡng thương chỉ được vài tháng, ông lại cùng 2 đồng đội mới được bổ sung vào Đoàn Điện ảnh do chính ông làm Trưởng đoàn, về R để nhận máy móc, thiết bị tiếp tục phục vụ cho chiến tranh. Ròng rã 2 tháng trời đi bộ, máy móc đã được các anh đưa về đến nơi an toàn, bắt đầu cho những ngày hoạt động trở lại của Đoàn Điện ảnh. Từ năm 1973 đến 1975, ông đã cùng đồng đội, đồng chí vào ra khắp các mặt trận, đưa nhiều thông tin, hình ảnh ý nghĩa từ chiến trường đến với đồng bào khắp nơi.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước được giải phóng, thương binh Lê Hùng Dũng tiếp tục lao động, phục vụ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời bình. Ông trải qua nhiều vị trí công tác như Ty Thông tin, Phòng Văn hóa huyện Bến Cát, Giám đốc khối cơ khí Công Nông Nghiệp, Trung tâm quản lý người tị nạn thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và phụ trách tôn giáo dân tộc tại UBND huyện Bến Cát… Dù ở bất cứ nhiệm vụ nào, Hùng Dũng cũng để lại dấu ấn đẹp bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm và đặc biệt là lòng quả cảm của một cựu chiến binh từng được tôi luyện từ chiến trường.

Lẽ ra với 65 tuổi đời và gần 50 năm tuổi Đảng, người lính già Hùng Dũng giờ đây đã có thể vui hưởng tuổi già bên con cháu. Thế nhưng, sự tín nhiệm của đồng đội đối với ông vẫn còn. Họ đã tin tưởng giao cho ông nhiệm vụ dẫn dắt Hội Người cao tuổi xã Long Nguyên (TX.Bến Cát). Tuổi cao chí càng cao, những anh lính Cụ Hồ năm nào giờ đây vẫn tiếp tục cống hiến, góp sức mình vì sự giàu đẹp của quê hương trong thời kỳ đổi mới.

 SONG ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên