Liên đoàn lao động tỉnh: “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”

Cập nhật: 22-02-2019 | 05:52:31

Nhằm mục đích nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức công đoàn, góp phần đoàn kết, thu hút, tập hợp người lao động (NLĐ) gia nhập tổ chức công đoàn; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tổ chức công đoàn vững mạnh, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, công nhân lao động (CNLĐ), trong năm 2019, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phát động phong trào thi đua: “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn”. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện phong trào đạt mục đích, yêu cầu.

 Đổi mới hoạt động phong trào

Trong năm 2018, các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ đã được các cấp công đoàn tập trung thực hiện. Theo đó, hoạt động công đoàn được đổi mới với nhiều nội dung, hoạt động thiết thực như tích cực tham gia đóng góp, xây dựng các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến ĐVCĐ, NLĐ; triển khai thực hiện quy chế dân chủ và đối thoại tại nơi làm việc; tiến hành thương lượng, ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ.

 

 Những chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe xuân nghĩa tình”, “Tháng công nhân”, “Gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với công đoàn và CNLĐ”… đã góp phần giữ chân NLĐ và thu hút lao động mới. Trong ảnh: Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà tết cho CNLĐ. Ảnh: T.THẢO

Các chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe xuân nghĩa tình”, “Tháng công nhân”, “Gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với công đoàn và CNLĐ”... Các hoạt động của công đoàn được duy trì tổ chức ngày càng hiệu quả, sáng tạo đã tác động tích cực đến ĐVCĐ, NLĐ, tình hình tai nạn lao động, tranh chấp lao động tập thể giảm so với cùng kỳ năm 2017. Công tác thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), phát triển ĐVCĐ được triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong năm, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thành lập CĐCS doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước đạt 136,3%, kết nạp ĐVCĐ mới đạt 175%.

Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 1.528 bản thỏa ước đang có hiệu lực áp dụng tại các doanh nghiệp có CĐCS, đạt 58,8%. Năm 2018, các cấp công đoàn đã tham gia thanh tra, kiểm tra 68 doanh nghiệp, tiếp và tư vấn pháp luật, trực tiếp, tư vấn qua điện thoại 4.647 cuộc cho 10.700 lượt người.

Thực hiện chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên”, năm 2018, ngoài triển khai chương trình phúc lợi của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã ký kết, thỏa thuận hợp tác với 8 đơn vị. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca”, qua thống kê, toàn tỉnh có trên 1.700 doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ, trong đó có 92% doanh nghiệp đã tổ chức bữa ăn bảo đảm mức ăn từ 15.000 đồng/suất trở lên và trong 2018 không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Công tác chăm lo cho ĐVCĐ, NLĐ được chú trọng với tổng số tiền chăm lo hàng trăm tỷ đồng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức phát động phong trào thi đua: “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn”. Nội dung của phong trào là đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện nhiệm vụ của từng cấp công đoàn; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và phương pháp tiếp cận ĐVCĐ, NLĐ và truyền thông công đoàn; sáng tạo trong việc xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình mới, cách làm mới, giải pháp mới; bảo đảm tính hiệu quả trong thực hiện phong trào. Kết quả của phong trào thi đua và các hoạt động công đoàn phải rõ sản phẩm, điển hình, có sức lan tỏa; kiên quyết không tổ chức các hoạt động mang tính hình thức, gây lãng phí, tốn kém. Đối tượng thực hiện phong trào là các CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các ban, đơn vị trực thuộc LĐLĐ tỉnh và cán bộ công đoàn các cấp và ĐVCĐ.

Giữ được người cũ, thu hút người mới

Được biết, Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu lao động. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và vận động các doanh nghiệp tạo mọi điều kiện chăm lo cho CNLĐ, nhất là chính sách về nhà ở xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, việc làm và các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu khác… Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết năm 2019, thông qua tổ chức công đoàn, UBND tỉnh đã trao tặng 10.350 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng trị giá gần 5,2 tỷ đồng. Các cấp công đoàn cũng đã chi ngân sách tặng gần 5.000 vé xe cho CNLĐ các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc đang làm việc ở Bình Dương về quê đón tết (tăng 1.000 vé so với năm 2018); phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 20 đêm văn nghệ “Mừng Đảng, mừng xuân” tại các địa bàn có đông NLĐ. CĐCS tại nhiều doanh nghiệp đã phối hợp cùng người sử dụng lao động tổ chức văn nghệ, tất niên, chương trình rút thăm, quay số trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị để cảm ơn NLĐ sau một năm làm việc…

Bằng các hoạt động chăm lo đó đã tạo cho công nhân yên tâm làm việc, sản xuất, nhiều CNLĐ đã chọn Bình Dương là quê hương thứ hai của mình để sinh sống và lập nghiệp. Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bình Dương có hơn 98% công nhân lao động trở làm việc, đạt tỷ lệ cao nhất trong cả nước. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, tuyển thêm nhiều lao động.

 “Trong năm 2018, hoạt động công đoàn các cấp trong tỉnh đã đạt những kết quả khá toàn diện, tạo sức lan tỏa, khẳng định là điển hình trong đổi mới hoạt động công đoàn. Tôi kỳ vọng trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bình Dương không chỉ là điển hình mà phải là hình mẫu trong đổi mới, hoạt động công đoàn”.

(Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam)

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên