Lỗ hổng của công tác quản lý

Cập nhật: 27-03-2017 | 08:33:35

Mấy ngày gần đây, câu chuyện bài hát “Màu hoa đỏ” bị cấm lưu hành tại tỉnh Tiền Giang đã khiến dư luận bức xúc và gây sốt trên cộng đồng mạng với nhiều thông tin trái chiều. Ngay sau đó, vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang đã nhận trách nhiệm, xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến về việc ra quyết định cấm lưu hành bài hát này.

Trước đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang ban hành công văn với nội dung đề nghị Phòng VH-TT các huyện, thị, thành phố trong tỉnh thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke phải gỡ bỏ những bài hát chưa được cấp phép lưu hành và phổ biến theo quy định. Trong số hơn 350 bài hát bị cấm lưu hành có ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến - một ca khúc từng đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giải thưởng “Ca khúc xuất sắc” của Bộ Quốc phòng.

Theo giải thích của Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang, thời gian qua sở này đã kiểm tra một số quán karaoke trên địa bàn tỉnh và phát hiện các điểm đều có vi phạm trong việc lưu hành, phổ biến các bài hát chưa được phê duyệt nội dung. Ở một số điểm kinh doanh karaoke, bài hát “Màu hoa đỏ” nằm trong số các ca khúc bị một số nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn và những hình ảnh minh họa trong video không phù hợp. Nội dung công văn từ bộ phận tham mưu của sở đã không nói rõ vi phạm trong ca khúc “Màu hoa đỏ” trên bản karaoke là vi phạm về hình ảnh minh họa trong video nên đã gây hiểu nhầm.

Cách đây chưa lâu, ngày 1-3-2017, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 21/TTr-VHGĐ gửi Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành về việc chấn chỉnh, kiểm tra hoạt động của hệ thống kinh doanh karaoke, các tụ điểm ca nhạc trên cả nước. Theo Thanh tra Bộ VH-TT&DL, trên thực tế tại nhiều tụ điểm ca nhạc, karaoke, vũ trường, quán bar… xuất hiện tình trạng sử dụng các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến lưu hành. Câu chuyện xảy ra với “Màu hoa đỏ” ở Tiền Giang có lẽ cũng không nằm ngoài yêu cầu này, song cách làm của ngành VH-TT&DL tỉnh này còn cứng nhắc, vội vàng.

Thông qua vụ việc trên, một lần nữa chúng ta lại thấy xuất hiện lỗ hổng của công tác quản lý, kiểm tra băng ghi âm, băng ghi hình trong hoạt động kinh doanh karaoke. Không ai khác trong câu chuyện này, Bộ VH-TT&DL và Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành là cơ quan chủ trì xem xét thấu đáo các quy định pháp luật cũng như những bất cập tồn tại trong quản lý hoạt động kinh doanh karaoke hiện nay. Với một ca khúc, những hình ảnh minh họa đi kèm trên karaoke như thế nào là phù hợp với lịch sử, phong tục, lối sống, văn hóa dân tộc? Đây là vấn đề lâu nay các cơ quan chức năng còn bỏ ngỏ.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên