Lời giải cho bài toán việc làm

Cập nhật: 21-10-2016 | 07:33:19

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có hơn 1 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.

Tỷ lệ lao động thất nghiệp đang có xu hướng tăng. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới hơn 418.000 người có chuyên môn kỹ thuật. Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Cụ thể có hơn 191.000 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 17,5%; 94.800 người có trình độ cao đẳng, chiếm 8,7% và hơn 59.000 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, chiếm 5,4%. Như vậy, người có trình độ cao đẳng trở lên chưa có việc làm chiếm đến 26% tổng số lao động chưa có việc làm.

Hiện nay, đa phần sinh viên khi ra trường đều chưa có kinh nghiệm nên cơ hội tìm kiếm việc làm thấp, dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp tràn lan. Chúng ta đang thừa ở nhóm lao động mà thị trường lao động không cần như các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế, nhưng lại đang thiếu kỹ sư công nghệ, kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật…

Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Thiếu việc, thất nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế. Việc hàng trăm ngàn cử nhân và lao động có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp là nghịch lý của thị trường lao động trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa. Vậy giải pháp nào để giảm nhanh số người có trình độ đại học, cao đẳng chưa có việc làm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là học sinh cần phải được tư vấn chọn nghề nghiệp thích hợp với năng lực bản thân. Sau đó là việc vận dụng kiến thức tiếp thu được ở giảng đường vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo cũng mang ý nghĩa căn bản trong bối cảnh nhiều cơ sở đào tạo ở nước ta vẫn dạy những gì mình có chứ, không phải những gì xã hội cần. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực phải theo nhu cầu của xã hội, phải gắn với thị trường lao động. Phát triển hệ thống trường đại học, cao đẳng, trường nghề, cần chú trọng cả chính sách lẫn thị trường lao động, dự báo nhu cầu lao động của xã hội…

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên