Lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV

Cập nhật: 21-11-2018 | 06:33:19

Theo đánh giá của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thời gian qua, tỷ lệ người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT vẫn còn những khó khăn nhất định do một số người không đủ điều kiện tham gia BHYT. Trong thời gian tới, khi nguồn viện trợ thuốc ARV để điều trị cho người nhiễm HIV bị cắt, thì BHYT được xác định là giải pháp chủ yếu bảo đảm sự bền vững cho người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV…

Lợi ích của việc điều trị ARV

ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004, được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Một khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV, họ có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Từ ngày 1-1-2019, người nhiễm HIV tham gia BHYT sẽ giảm được gánh nặng về chi phí điều trị do thuốc ARV. Trong ảnh: Tư vấn cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh

Việc điều trị bằng ARV sớm có nhiều lợi ích như vậy, nhưng hiện nay cả nước mới có khoảng 45% người nhiễm HIV được chẩn đoán tham gia chương trình điều trị ARV, với khoảng 102.000 người. Thời gian qua, khoảng 95% nguồn thuốc ARV được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế và các tổ chức này đang thực hiện lộ trình cắt giảm. Bác sĩ CKI Vương Thế Linh, khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết đến nay, thuốc ARV vẫn còn cấp điều trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên theo dự kiến, thuốc ARV sẽ được thanh toán qua BHYT từ ngày 1-1- 2019.

Bảo hiểm y tế - “cứu cánh” cho người nhiễm HIV

Từ 1-1-2017, Bình Dương đã triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/ AIDS. Các dịch vụ đã được thanh toán qua BHYT bao gồm: Công khám bệnh, phí xét nghiệm cơ bản, một số thuốc điều trị theo danh mục BHYT (ngoài thuốc ARV và các thuốc cấp theo chương trình). Do các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới sẽ bị cắt giảm, nên từ đầu năm 2019, thuốc ARV cho người nhiễm HIV sẽ không còn được hỗ trợ miễn phí mà chuyển qua thanh toán bằng BHYT. Do đó, để bảo đảm giữ vững kết quả điều trị, việc người nhiễm tham gia BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, giảm “gánh nặng” cho người nhiễm HIV khi điều trị và chữa bệnh. Theo tính toán, chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS khoảng hơn 4 triệu đồng/người/ năm. Nếu bệnh nhân HIV kháng thuốc, chi phí điều trị có thể tăng lên gấp 7 - 8 lần. Nếu không có thẻ BHYT, từ đầu năm tới, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để được điều trị bằng thuốc ARV.

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến tháng 9-2018, toàn tỉnh có 6.745 người nhiễm HIV. Hiện có 95% người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại Bình Dương tham gia BHYT. Tỷ lệ này được duy trì ổn định từ cuối năm 2016 đến nay. Bình Dương đang hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV có thẻ BHYT vào năm 2020. Trong thời gian qua, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Bác sĩ CKI Vương Thế Linh cho rằng, những khó khăn đó là một số bệnh nhân không đủ điều kiện tham gia BHYT (do không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân); một số dịch vụ trong khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS không có sẵn tại địa bàn (như dịch vụ xét nghiệm tải lượng vi rút HIV). Đối với 5% người nhiễm HIV/AIDS còn lại không đủ điều kiện mua BHYT, phía trung tâm cũng đang tìm giải pháp phù hợp nhất để bảo đảm đến năm 2020, thậm chí năm 2019 có 100% người bệnh tại Bình Dương tham gia BHYT.

Với những người có sức khỏe bình thường, BHYT đã rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của họ, thì với những người nhiễm HIV, BHYT càng quan trọng hơn. BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn được cấp miễn phí, nhất là khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên