Long Hưng, ngôi chùa lịch sử

Cập nhật: 13-12-2014 | 09:36:34

Nhiều người từ phương xa đến còn xa lạ với chùa Long Hưng (tên dân gian gọi là chùa Tổ Đỉa hay Bưng Đỉa). Tuy nhiên, với người dân địa phương thì đây là ngôi chùa lịch sử, có giai thoại về một nhà sư phát tâm xuống giữa đồng ngồi thiền định và nguyện: “… hiến xác thân này cho loài đỉa ở đây với mong muốn cho dân chúng bình yên cày cấy để có cơm no áo ấm”. Nhà sư đã được như nguyện, dân làng tôn thờ và tên gọi dân gian “Tổ Đỉa” có từ đó.

Nhiều nhân chứng cho biết, khoảng giữa thập niên 60 thế kỷ trước, khi chiến sự lan ra vùng này, Mỹ ngụy nghi ngờ chùa che giấu cán bộ cách mạng nên chúng đã thả một quả bom ngay chánh điện. Khi đó, nơi đây và xung quanh có gần 100 người lớn nhỏ, đa số là cụ già, phụ nữ và trẻ em đang trú ngụ. Thế nhưng, các tượng Phật bị tung tóe khắp nơi trong khi những người ẩn nấp chỉ có một người bị thương nhẹ... Tất cả những câu chuyện đó có thể có thực, có thể do sự ngưỡng mộ của người dân thập phương mà tạo dựng nên nhưng trên hết đó chính là tấm lòng, là sự gửi gắm niềm tin và là sự đánh giá của người dân, người mộ đạo đối với ngôi chùa có thể là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Bình Dương.

 

Một góc chùa Long Hưng Ảnh: Q.NHƯ

Lịch sử ngôi chùa

Chùa tổ Long Hưng (khu phố 4, phường Tân Định, TX.Bến Cát) tọa lạc gần vườn cây cao su. Khung cảnh chùa bình yên, là nơi để phật tử về tu tập. Đây cũng là Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TX.Bến Cát với nhiều hoạt động thiện nguyện trong thời gian qua. Phật giáo TX.Bến Cát (trước đây có thêm các ngôi chùa nay thuộc huyện Bàu Bàng) được đánh giá cao trong công tác từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 4-7-2005, chùa Long Hưng được sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Thầy trụ trì hiện tại Thích Hồng Long dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn hết lòng chăm lo công tác Phật sự. Hàng năm, chùa làm từ thiện vào dịp rằm tháng giêng và rằm tháng 7. Đã thành lệ, vào đầu năm học, thầy vận động tặng học bổng cho học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh nghèo hiếu học, trị giá mỗi năm khoảng 20 triệu đồng. Hàng năm, thầy Hồng Long còn trao tặng hơn 300 phần quà tết cho người nghèo và tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác…

 

Theo “Lịch sử các ngôi chùa Bình Dương” của Thượng tọa Thích Huệ Thông, tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu sinh năm Quý Hợi (1743). Ngài đến vùng bưng (Cầu Định) vào khoảng năm 1768, được dân làng dựng am nhỏ cho tá túc, thiền định. Đến năm 1794 (Giáp Dần), danh tiếng, đạo đức của ngài được lan rộng khắp vùng. Dân chúng phát tâm xin tổ cho trùng tu lại chùa để làm nơi thờ phụng được khang trang hơn. Tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu có công lớn trong việc truyền bá chánh pháp nơi đây. Hiện nay chưa biết rõ tên tục và nguyên quán của ngài, chỉ biết ngài là bậc long trượng của chốn thiền môn, là vị khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa như: Linh Sơn trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh); Long Hưng, Hội Hưng (xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM); Hội Lâm (còn gọi là chùa Bà Tang ở xóm Chùa xã An Phú). Ngài từng đến hành đạo tại các chùa Hội Khánh, Long Thọ (TP.TDM); Hội Sơn (Thủ Đức, TP.HCM) và Bửu An (Bến Gỗ, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).

Chùa Long Hưng trải qua 9 đời trụ trì theo dòng kệ khác nhau. Trong biến cố thăng trầm của lịch sử có thịnh, có suy nhưng ngôi chùa Long Hưng (Bưng Đỉa) vẫn mãi mãi được người dân vùng này sùng kính. Những hiện vật cổ được lưu lại đến nay là tháp Tổ Đạo Trung, một pho tượng của Tổ sư Đạo Trung tạc bằng gỗ mít có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XIX, một pho tượng bằng đồng cao khoảng 1m và các pho tượng Tam Thế, Thập Điện Diêm Vương bằng gỗ, một Đại hồng chung, các long vị của các vị tổ sư và trụ trì, các bộ tượng gỗ khác... Tất cả hiện vật này có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một bức hoành phi đề Long Hưng tự, sơn son thếp vàng lập vào năm Giáp Dần (1854), giảng đường còn lưu lại câu đối (có vào năm 1903) của Hòa thượng Thế Cư, vị trụ trì đời thứ 4: “Từ vân pháp vũ sâm la biến địa giai thành thanh tịnh cảnh/ Huệ nhật đàm hoa tự tại gian tranh đổ hỉ hoan tràng” (Tạm dịch: Mây lành mưa pháp, phủ khắp ở cõi trần gian, đều trở thành nơi thanh tịnh/ Ngày huệ hoa đàm, tự tại như miền Thiên Trúc, sẽ trông thấy chốn an vui).

Xây dựng với mục đích tốt đạo đẹp đời

Hòa thượng Thích Hồng Long tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo TX.Bến Cát Ảnh: Q.NHƯ

Chùa Long Hưng hiện nay không còn di tích cũ nữa. Ngôi chánh điện đã bị bom đạn của chiến tranh phá đổ nát hoàn toàn vào ngày 19-9-1966. Vào năm 1986, phật tử chùa đã ủng hộ nhân lực, vật lực để xây dựng lại ngôi chánh điện nằm ở phía sau nền chánh điện cũ bằng vật liệu gỗ, kiến trúc cổ 3 gian 2 chái. Sau khi hòa thượng trụ trì đời thứ 8 viên tịch vào năm 1989, chùa không có người thừa kế. Đến năm 1995, Tỉnh hội Phật giáo đã bổ nhiệm Hòa thượng Thích Hồng Long (Chánh Ban đại diện Giáo hội Phật giáo TX.Bến Cát) về trụ trì. Đây cũng là vị thầy trụ trì chùa Hồng Long hiện nay. Nói về xây dựng chùa và công tác từ thiện, Hòa thượng Thích Hồng Long cho biết: “Tất cả nhờ vào sự trợ duyên, ủng hộ của phật tử gần xa. Bản thân tôi dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn luôn cố gắng làm từ thiện bằng khả năng của mình để giúp người, giúp đời. Vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh đang cần sự giúp đỡ của xã hội chứ không riêng gì Phật giáo. Hàng năm, phật tử chùa Long Hưng vẫn tổ chức hành hương về ngôi chùa tổ của Đạo Trung- Thiện Hiếu ở Tây Ninh như là một chuyến về nguồn kết hợp với làm từ thiện tại các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi”.

Vào tháng 3-2001, Hòa thượng Hồng Long và phật tử tiếp tục tổ chức đặt đá trùng tu ngôi chánh điện trên nền cũ. Đến với chùa Long Hưng hôm nay hoàn toàn khác với cảnh trí của ngôi chùa năm xưa. Từ đường chính vào chùa độ khoảng gần 500m, vùng Bưng Đỉa và đồng ruộng bạt ngàn năm xưa không còn nữa bởi sự phát triển của khu công nghiệp, dân số và nhà cửa nhưng chùa Long Hưng (Bưng Đỉa) vẫn còn giữ được sự trầm lặng thanh thoát của thiền môn và thấp thoáng ta vẫn còn trông thấy vài mảnh ruộng còn sót lại của vùng bưng biền ngày xưa…

Chùa Long Hưng là nơi hành đạo của tổ Đạo Trung. Ngài đã đem đến cho vùng đất này một tinh thần từ bi vô ngã của đạo Phật. Hình ảnh của chùa Tổ Đỉa mãi mãi được ghi dấu mà người dân nơi đây đã ngưỡng mộ bậc chân tu. Ngôi chùa tuy mới được trùng tu vài năm trở lại đây nhưng vẫn còn đó nét hoang sơ thuở nào. Những hàng cây cổ thụ vẫn đang vút cao trên triền đồi. Những ngôi mộ của các sư trụ trì viên tịch vẫn còn đó. Mỗi dịp lễ lượt, đặc biệt là ngày húy kỵ của ngài tổ sư khai sơn (21 tháng chạp), chúng sinh bái vọng, nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho người dân an cư lạc nghiệp.

 

• QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết
Tags
chua

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên