Long lanh đạo nghĩa làm thầy…

Cập nhật: 18-10-2017 | 08:42:36

Hình ảnh thầy giáo Lô Văn Thanh, một giáo viên cắm bản vùng cao ở Nghệ An tỉ mẩn ngồi vá áo cho cậu học trò nghèo trước giờ vào lớp học được truyền tải trên phương tiện truyền thông thực sự có một sức lan tỏa mạnh mẽ, xúc động lòng người trong những ngày vừa qua. Hình ảnh đó, câu chuyện nhân văn đó thêm một lần tôn vinh hai chữ nhà giáo vốn đã đẹp xưa nay.

 “Có gì to tát đâu, học trò cũng giống như con mình vậy. Chúng tôi đều có kim chỉ sẵn. Tuy đường may không được khéo léo nhưng tôi thấy thương học trò phải mặc quần áo rách thì tôi vá lại cho trò. Hơn hết để các em cũng biết được mình có tình cảm gần gũi như chính cha mẹ các em” - trả lời giới truyền thông, nhà giáo cao quý này nhẹ nhàng cho biết vậy.

Hành động của thầy không to tát, nhưng ẩn chứa bên trong là câu chuyện tình người, tình thầy trò đẹp tựa ánh sao. Hơn ai hết, chính người thầy này với thâm niên 20 năm gieo chữ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn mà học trò của mình phải đối mặt. Phải cố gắng lắm, từ phụ huynh đến các em mới theo trường theo lớp được, bởi vượt rừng, băng suối, thiếu ăn, thiếu mặc là chuyện thường ngày ở bản làng.

Hình ảnh cậu học trò nghèo chân đất, quần đùi chăm chú dõi theo từng mũi khâu mà thầy đang vá đã cho thấy cái nghèo mà trẻ em nơi này đang phải chịu. Hình ảnh “căn phòng giáo vụ” - nơi thầy ngồi vá áo - dựng bằng tranh tre, nứa lá cũng phản ánh điều kiện thiệt thòi của nhà giáo vùng cao. Nhưng vượt lên tất cả là cái đẹp của lòng nhân ái, của tình thầy dành cho trò nơi rừng sâu, núi cao.

Viết về câu chuyện thầy vá áo cho trò lại liên tưởng đến nhiều câu chuyện đẹp của tình thầy trò mà chắc nhiều người chưa thể quên. Mới gần đây thôi là hình ảnh một thầy giáo ở Tây nguyên vượt rừng, băng suối “mang” một học sinh trở lại với trường lớp sau những ngày bỏ học để mưu sinh cùng nương rẫy. Trước đó là chuyện giáo viên vùng cao phía Bắc “chui” túi ni-lông qua suối để đến với học sinh khi mùa mưa đến. Rồi mùa mưa lũ làm một điểm trường mầm non ở miền Trung bị ngập, các cô giáo phải ngâm mình trong nước, bất chấp tính mạng bản thân để cứu lấy học trò…

Quá nhiều câu chuyện đẹp tôn vinh đạo nghĩa người thầy, chứa nặng tính nhân văn cao cả, lan tỏa, lay động lòng người cả nước. Những tình cảm đó, hình ảnh đó lại đặc biệt có ý nghĩa trong thời buổi ngành giáo dục nước nhà ngổn ngang bao chuyện buồn vui, giá trị đạo đức nghề nghiệp ít nhiều bị hao mòn!

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên