Lòng trắc ẩn có cần mặc cả?

Cập nhật: 20-04-2020 | 09:47:04

Những ngày này, sau chiến dịch truyền thông “3 chữ A” khép lại thì “cuộc chiến” giữa các phe tố nhau giữa nên và không nên, hay và không hay, lạm dụng hay không lạm dụng hình ảnh, câu chuyện của trẻ tự kỷ còn… kịch liệt, còn nóng hơn cả cuộc vận động này!

Rất nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam (cụ thể là qua Facebook) trong thời gian gần đây đã đăng bài viết kèm theo hashtag bắt đầu bằng 3 chữ A là #autism, #awareness, #a365. Ý nghĩa của 3 chữ A này là: Autism (chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi nhưng có thể can thiệp tiến độ), Awareness (nhận thức là điều quan trọng, phát hiện sớm và can thiệp đúng cách sẽ giúp đỡ thay đổi cuộc đời trẻ tự kỷ) và A365 (chương trình hướng dẫn cha mẹ miễn phí trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ tại nhà và cộng đồng). Chương trình này được phát động từ ngày 10-3. Cách chơi là người dùng Facebook cần đăng những tấm hình đẹp, lạc quan, truyền đạt thông tin tích cực và gắn kèm 3 hastag 3 chữ A nói trên. Nếu “gom” đủ 100.000 chữ A thì tổ chức giúp trẻ tự kỷ của Việt Nam sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng.

Không cần nói đến chuyện tiền quỹ 200 triệu đồng này nữa vì đủ hay không đủ chữ A thì 200 triệu đồng vẫn được chuyển về. Vấn đề ở đây là lần nữa chúng ta nói đến sức mạnh của truyền thông chính đáng, lành mạnh và lòng trắc ẩn, lòng tốt của con người dành cho nhau.

Về truyền thông, bạn có hiểu đủ và thấu đáo để có thể đồng cảm với trẻ tự kỷ, với gia đình đang vất vả khó khăn hơn rất nhiều khi chăm sóc một trẻ tự kỷ so với một trẻ bình thường. Những người làm chương trình này muốn “nhờ” mạng xã hội lan tỏa kiến thức, nhận biết kịp thời và giúp trẻ tự kỷ. Khi chúng ta thực sự hiểu biết về điều gì, chúng ta mới yêu thương, chia sẻ được. Số trẻ mắc tự kỷ ngày càng cao và xã hội cần chung tay thay đổi nhận thức, cùng góp phần giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.

Và lòng tốt, lòng trắc ẩn. Càng đọc những “lý lẽ” của 2 phe chống đối và ủng hộ chương trình 3 chữ A này, càng ngao ngán cho một sự thật là việc tốt, lòng tốt cớ làm sao mà luôn bị nghi ngờ? Con người đối xử với nhau như thế nào để đến nỗi bây giờ, đứng trước một việc tốt, nhiều người bật lên suy nghĩ: “Chuyện gì đằng sau đó? Chúng ta có bị lợi dụng không”?.

Một người bạn tôi cho rằng: khi bạn không làm, đứng ra một bên cho người khác làm, đừng miệt thị, đừng gây tổn thương cho người tốt thật sự. Và rằng, lòng trắc ẩn là thiện lương của con người, là lương tâm lên tiếng khi lý trí còn loay hoay lựa chọn giữa đúng và sai.

Có lòng trắc ẩn, con người sẽ sống tốt đẹp với nhau hơn. Tôi tin thế. Nên đừng mặc cả, đừng nghi ngờ lòng trắc ẩn, việc làm tốt của con người. Bởi, ít ra là bạn cũng đã truyền đi một thông điệp tích cực, ít ra là bạn đang giúp cho trẻ tự kỷ và người thân họ một chút lòng trắc ẩn cần có của đồng loại…

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên