Lựa chọn học nghề

Cập nhật: 06-12-2017 | 08:16:52

Trong thời buổi “thừa thầy thiếu thợ” và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT đã quyết định rẽ hướng sang học nghề thay vì học lên phổ thông hay đại học. Điều này không chỉ góp phần tích cực vào việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT mà quan trọng hơn, cho thấy sự chủ động của học sinh, phụ huynh để đón đầu làn sóng hội nhập lao động.

 Nhiều học sinh chọn học nghề để thay đổi tương lai

 Tâm sự người trong cuộc

Bạn Vương Đình Phú, cựu sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore là một sinh viên xuất sắc của trường với giải nhất cấp tỉnh và giải ba Hội thi tay nghề Quốc gia lần thứ IX năm 2016. Trước khi trở thành sinh viên của trường bạn là học sinh khá, giỏi ở các trường phổ thông. Tuy nhiên, Phú không chọn con đường thi vào đại học như những bạn khác mà chọn trường Việt Nam - Singapore để học nghề công nghệ thông tin. Phú tâm sự, học xong lớp 12, hầu hết các bạn đặt mục tiêu phải “chinh phục” tấm bằng đại học nhưng Phú lại không đi theo con đường đó. Phú tìm hiểu được biết, môi trường đại học chủ yếu dạy lý thuyết, ở các trường nghề vừa học lý thuyết vừa được thực hành. Bên cạnh đó, các trường nghề còn liên kết với doanh nghiệp đưa sinh viên đến thực tập, học việc ngay từ năm thứ 2 để vững tay nghề. Quyết định của Phú đã không làm bạn thất vọng. Chỉ sau 3 năm “dùi mài kinh sử”, sau khi ra trường Phú có việc làm ngay tại công ty nước ngoài với mức lương khá cao.

Có sở thích du lịch và gặp gỡ mọi người, Nguyễn Thanh Loan, học sinh trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An không làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng mà chọn học nghề du lịch. Loan chia sẻ, mặc dù học đại học sẽ cho bản thân những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời, nhưng theo đuổi sở thích, ước mơ của mình sẽ đem lại kết quả tốt hơn là học hoặc làm theo sự áp đặt, mong muốn của người khác. Theo cô học trò mê du lịch này, để có thể nộp hồ sơ vào học nghề du lịch tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, Loan đã tìm mọi lý lẽ và đưa ra những dẫn chứng cụ thể để so sánh giữa việc học đại học và học nghề để cha mẹ, anh chị hiểu. Hiện nay, sau khi học xong, Loan đã trở thành hướng dẫn viên của Công ty Saigon Tourist và được đi khắp nơi theo như mong muốn của Loan. “Đừng nghĩ chỉ có con đường đại học mới là duy nhất, học nghề có những cái thú vị riêng. Đặc biệt là thời gian học ngắn, thời gian mình thực hiện ước mơ dài”, Loan nói.

Học nghề có việc ngay

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước đây, phụ huynh, học sinh còn coi trọng bằng cấp, nhất thiết phải cho con học các trường đại học, dù các trường đó không mấy nổi tiếng. Hiện nay, mọi người đã thoáng hơn rất nhiều, không học đại học, cao đẳng, phụ huynh tạo điều kiện cho các em học các chương trình đào tạo nghề dài và ngắn hạn. Đối với Bình Dương là tỉnh đang phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư thì cơ hội việc làm của các em sẽ không khó. Chỉ cần sau khi học nghề, các em nắm vững tay nghề và trong quá trình làm việc sẽ tự tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng.

Để các em có việc làm ngay sau khi học nghề, không chỉ là nỗ lực của học sinh, học viên mà còn có phương pháp đào tạo, chương trình liên kết với doanh nghiệp từ các trường nghề. Thầy Trịnh Thanh Danh, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc nói, theo thống kê, 93% học viên của trường ra trường có việc làm ngay. Kết quả đó là nhờ nhà trường có phòng đối ngoại, liên kết các doanh nghiệp đưa học viên đi thực tập. Nhiều em sau khi thực tập được công ty giữ lại, các em khác vững tay nghề nên dễ dàng xin việc.

Đối với trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, trường được đánh giá cao với gần 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngay, kể cả các em tự tạo việc làm tại gia đình. Đối với nhà trường, phương châm đào tạo theo các bước “kiến thức - kỹ năng - đạo đức nghề nghiệp” được triển khai cho mỗi cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên. Có kiến thức, có kỹ năng, cộng thêm đạo đức sẽ giúp các thầy cô giảng dạy tốt, các em nắm kiến thức, vững tay nghề để tự tin trong công việc.

Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước các trường nghề, ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ, hiện nay, nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực. Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp để họ có thể tự tạo việc làm, tìm việc.

Trong thời gian tới, bên cạnh các ngành nghề phi nông nghiệp, sở đề nghị các trường tập trung phát triển, đào tạo các nghề mũi nhọn, sử dụng khoa học công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tạo môi trường học tập tốt để thu hút học viên.

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Vài năm trở lại đây, số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề mặc dù chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng đã có bước chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, các trường, doanh nghiệp cần chủ động, thường xuyên hơn nữa trong công tác hướng nghiệp; cung cấp đầy đủ thông tin về ngành, nghề, trường học tốt cho người học để họ có sự lựa chọn hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tránh “tô hồng” trong công tác hướng nghiệp mà phải đánh giá đúng thực chất năng lực, sở trường của người học, giúp học sinh có bước đi đúng trong tương lai.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên