Lừa đảo trên mạng

Cập nhật: 22-08-2014 | 09:22:05

Nắm bắt tâm lý người dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, xây nhà hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân nhưng không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng; một số đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng, công ty tài chính để ra tay lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Kỳ 1: Cho vay tiền qua mua hàng trả góp

 Vài trang mạng nhận cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp!

Thủ đoạn của các đối tượng này rất đơn giản, chúng lập ra các “công ty ma” trên mạng internet, quảng cáo mời gọi khách hàng bằng những chiêu tiếp thị khá thuyết phục: “Chúng tôi là đội ngũ các nhân viên hiện đang làm việc tại các ngân hàng uy tín và hàng đầu như: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, ACB, VPbank, Bắc Á, Đông Á… sẽ hỗ trợ tư vấn, chuyên giải quyết hồ sơ khó, bị từ chối, nợ thẻ, nợ xấu, luôn lắng nghe hoàn cảnh và chắc chắn giúp bạn vay được tiền trong thời gian sớm nhất” hoặc “không cần thế chấp, không cần bảo lãnh, đã vay nơi khác vẫn có thể tham gia”… Những khách có nhu cầu vay vốn, có hộ khẩu, giấy CMND hợp lệ sẽ được các đối tượng này hướng dẫn đến tận các cửa hàng kinh doanh xe máy, điện thoại, hàng điện tử có liên kết với công ty tài chính, ngân hàng để mua hàng trả góp. Sau khi người có nhu cầu vay tiền mua hàng trả góp xong, chúng sẽ trả tiền mua lại mặt hàng trên với giá thấp hơn giá bán tại cửa hàng.

Luật sư Phạm Văn Đường, Trưởng Văn phòng luật sư Minh Đạo, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh:

Hành vi của các đối tượng nêu trên là dấu hiệu của tội lừa đảo được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự Việt Nam, do có các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Bên cạnh đó, các hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng chủ đích. Tuy nhiên, việc bắt và định tội danh cho các đối tượng này cũng rất khó, vì đa số các nạn nhân sau khi bị lừa vẫn không đứng ra tố giác và làm chứng.

Anh Nguyễn Văn Vũ nhà ở huyện Tân Uyên, người đã bị chúng lừa theo cách này, chia sẻ: “Tôi muốn vay 10 triệu đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân nhưng nhân viên công ty lại hướng dẫn tôi đến Siêu thị điện máy V.T. ở đường Cách Mạng Tháng 8, TP.TDM để mua điện thoại trả góp; sau đó “công ty” sẽ mua lại chiếc điện thoại chỉ bằng 80% giá trị ban đầu”. Như vậy, tôi vay 10 triệu đồng nhưng cuối cùng chỉ nhận được có 4 triệu đồng tiền mặt, vì phải trả trước cho chỗ mua máy là 4 triệu đồng. Còn “công ty” kia được lãi 2 triệu đồng từ việc mua lại chiếc điện thoại của tôi.

P.V đã liên hệ với một số điện thoại cụ thể tại trang web vaytiennong.net. Giọng một người đàn ông tự giới thiệu tên là T. hiện công tác tại một ngân hàng có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông. Sau vài lời xã giao, biết chúng tôi có nhu cầu vay 10 triệu đồng, ông ta hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện, tiền nước trong 6 tháng gần nhất… tất cả đều là bản chính và cầm đến siêu thị điện máy T.H. ở quốc lộ 13, để làm thủ tục mua trả góp chiếc điện thoại Iphone 4S. Sau đó, “công ty” của T. sẽ mua lại “con Iphone 4S” này của tôi bằng 80% với giá bày bán tại cửa hàng.

Làm theo yêu cầu, P.V đến siêu thị điện máy T.H. và được T. hướng dẫn đến quầy giao dịch của ngân hàng có liên kết với siêu thị để làm thủ tục mua trả góp “con Iphone 4S”. Khi các thủ tục mua sắp hoàn thành, chúng tôi quyết định gọi điện cho T. thông báo là chúng tôi không mua Iphone nữa vì “thủ tục quá rườm rà, phức tạp”. Nghe đến đây, T. văng tục với những từ khó nghe; trước khi tắt máy, hắn thêm một câu: “Chưa thấy thằng đàn ông nào chết nhát như mày, có vậy mà cũng không làm được”!

 Ảnh minh họa

Cầm tiền mới biết… bị lừa!

Đa số người đi vay tiền đều không biết rằng mình là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo và họ chỉ thực sự hiểu ra là “đã bị lừa” khi cầm tiền đóng nộp lãi suất hàng tháng cho ngân hàng. Anh Vũ ấm ức bày tỏ thêm: “Lúc cầm 4 triệu đồng trong tay tôi ngờ ngợ ra là mình đã bị mắc lừa nhưng biết làm sao được, vì thực sự khi đó tôi cũng đang rất cần tiền để trả nợ. Giờ tháng nào cũng phải lo đóng tiền lãi cho ngân hàng mà thấy tức”! Hai anh Nguyễn Huy Bình và Phan Tấn Hiếu đều là những nạn nhân có cùng “cảnh ngộ” với Vũ, cho biết thêm: “Mặc dù biết ra rằng đã bị lừa nhưng chúng tôi không đi báo công an vì chuyện đó cũng qua rồi và cũng không muốn làm lớn chuyện, giờ chia sẻ lại bài học này để mọi người biết mà cảnh giác vậy thôi!”.

Theo anh N.V.N., nhân viên kinh doanh của một ngân hàng, hiện có rất nhiều ngân hàng ở Bình Dương triển khai các gói dịch vụ liên kết với siêu thị điện máy có tên tuổi, như: Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn… nhận hỗ trợ người dân mua hàng trả góp nhằm kích thích tiêu dùng. Hoàn toàn không có việc các ngân hàng hỗ trợ khách mua hàng trả góp xong rồi sẽ mua lại với giá rẻ hơn so với giá bày bán tại cửa hàng.

Kỳ 2: “Gian hàng ảo” lừa tiền thật!

 

 

 VŨ NGỌC HOÀNG

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên