Luật An ninh mạng không xâm phạm quyền riêng tư cá nhân

Cập nhật: 15-06-2018 | 09:14:00

Bên lề Quốc hội, các đại biểu cho rằng Luật An ninh mạng chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin khi người dùng có hành vi đe dọa an ninh quốc gia trên không gian mạng. Nếu không có hành vi này thì không có gì phải lo ngại.


Quốc hội bấm nút thông qua Luật An ninh mạng

Sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng luật sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên cách hiểu này chưa chính xác.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng cho biết: Không ai hạn chế quyền dân sự, kinh tế, chính trị của người dân trên không gian mạng. Luật An ninh mạng yêu cầu các nhà mạng phải ngăn chặn thông tin tấn công an ninh quốc gia của Việt Nam, tấn công quyền dân sự về kinh tế - chính trị của cá nhân.

“Mọi người sử dụng quyền đó trên không gian mạng thì không ai cấm cả. Chỉ khi phát hiện thông tin đó đang truyền tải để nhằm chống phá Nhà nước, tấn công an ninh quốc gia trên môi trường không gian mạng thì Nhà nước mới dùng các biện pháp để ngăn chặn và gỡ bỏ”, đại biểu Sơn cho hay.

Cũng theo đại biểu này, người dân hoàn toàn có thể bày tỏ ý kiến, tâm tư của mình về các vấn đề bức xúc trong cuộc sống, các điều luật... trừ khi sử dụng thông tin đó để tấn công vào an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam thì việc xử lý sẽ chiếu theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

“Luật An ninh mạng chỉ là luật để quản lý xử lý tình huống xảy ra trên không gian mạng, còn một con người cụ thể nào đó vi phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự chứ không căn cứ theo luật không gian mạng này. Vi phạm của anh đến đâu thì mới xử lý chứ không phải tất cả hành vi đều xử lý”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Lo ngại của cử tri là lo ngại chính đáng nhưng quy định của luật là chặt chẽ, trong trường hợp nào và như thế nào thì cơ quan chức năng mới có thẩm quyền can thiệp vào thông tin cá nhân trên mạng. 

“So với dự thảo đầu tiên trình Quốc hội thì luật thông qua đã có nhiều điểm khác cho thấy Quốc hội và Chính phủ rất tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp. Những thông tin mà người dân đưa lên không gian mạng thì hiện giờ vẫn do chủ hệ thống thông tin quản lý, chỉ khi có vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng mới rà soát xem xét hành vi vi phạm. Còn chủ thể, cá nhân không thực hiện hành vi đó thì không có gì phải lo ngại cả”, ông Thành nói.

Liên quan đến quy định của luật yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng quốc tế phải đặt máy chủ tại Việt Nam, các đại biểu cũng không lo ngại. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho biết hiện nay các hãng Google, Facebook đã đặt nhiều máy chứa dữ liệu tại Việt Nam. Từ cuối 2016 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đàm phán với các nhà mạng này để thống nhất đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng chưa có quy định cụ thể. Do đó, Chính phủ mới đề nghị đưa quy định này vào luật.

“Bản thân tôi thấy giải trình của ban soạn thảo là đúng. Có 4 điều khoản của công ước quốc tế cho phép chúng ta làm điều này vì lý do an ninh. Nhiều nước cũng quy định điều này”, ông Sơn nói.

Còn đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng quy định doanh nghiệp phải lưu trữ cơ sở dữ liệu người dùng tại Việt Nam là yêu cầu cần thiết bởi đó là tài sản thuộc sở hữu của Việt Nam. Trong trường hợp xảy ra việc xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam thì cũng dễ xử lý hơn. Đặc biệt, khi đặt máy chủ ở Việt Nam thì băng thông tăng lên, kết nối của chúng ta cũng thuận tiện hơn. Ông cũng không lo ngại quy định này can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp.

Chỉ nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Trung tướng PGS. TS. Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an khẳng định: Luật An ninh mạng chỉ nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, không có quy định nào cấm Facebook, Google hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Luật An ninh mạng không cấm hoặc ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân. Đạo luật này cũng không có quy định nào cấm công dân sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google... Luật An ninh mạng cũng không cấm công dân tham gia hoạt động trên không gian mạng hoặc truy cập, sử dụng thông tin trên không gian mạng và cũng không có quy định nào cấm công dân khởi nghiệp, sáng tạo hay trao đổi, triển khai ý tưởng sáng tạo của mình trên không gian mạng. 

“Mọi người có thể yên tâm sử dụng Facebook, Youtube... nếu không vi phạm các điều cấm mà pháp luật quy định kể cả việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên nếu bày tỏ quan điểm cá nhân mà xúc phạm nhân phẩm danh dự của người khác, xúc phạm đến tôn giáo, dân tộc... thì đây là hành vi bị cấm. Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm để mọi người biết các hoạt động nào được pháp luật bảo hộ, hoạt động nào bị cấm để người sử dụng mạng không mắc vào vi phạm”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết.

 

(Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên