Ông Bùi Duy Hiền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương:

Luật Công chứng sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

Cập nhật: 07-01-2015 | 08:48:47

Luật Công chứng sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Bên cạnh các nội dung kế thừa từ Luật Công chứng năm 2006, Luật Công chứng sửa đổi còn có một số điểm mới. PV Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Duy Hiền (ảnh), Giám đốc Sở Tư pháp về các điểm mới của Luật Công chứng sửa đổi.

- Xin ông cho biết một số điểm mới của Luật Công chứng năm 2014?

- Luật Công chứng năm 2014 được ban hành thay thế luật năm 2006 với nhiều nội dung mới, tiến bộ hơn về công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng, về hoạt động nghiệp vụ công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Về vai trò, trách nhiệm của CCV: Luật lần này khẳng định rõ “CCV cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”. Quy định này góp phần nâng cao vai trò, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của CCV.

Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về việc đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, yêu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ đối với CCV nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, chất lượng hoạt động công chứng.

Về tổ chức hành nghề công chứng, luật quy định: Việc thành lập, hoạt động, chuyển đổi, giải thể các tổ chức hành nghề công chứng có nhiều nội dung mới, trong đó quan trọng nhất là quy định bắt buộc các tổ chức hành nghề công chứng phải do từ 2 CCV trở lên thành lập nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ và tính ổn định, bền vững của tổ chức hành nghề công chứng. Các văn phòng công chứng do 1 CCV thành lập phải có kế hoạch chuyển đổi sang loại hình hợp doanh chậm nhất là cuối năm 2016. Luật Công chứng sửa đổi năm 2014 bổ sung thẩm quyền công chứng bản dịch giấy tờ, chứng thực bản sao, chữ ký cho CCV. Như vậy, từ ngày 1-1- 2015 ngoài Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã, người dân có thể yêu cầu CCV ở các tổ chức hành nghề công chứng chứng thực bản sao, chữ ký hoặc công chứng bản dịch văn bản, giấy tờ.

Luật có nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục công chứng đối với các loại hợp đồng, giao dịch. Ngoài ra, luật còn quy định về tổ chức nghề nghiệp của CCV và giao UBND cấp tỉnh quy định mức trần thù lao công chứng.

 

 Công chứng viên Phòng công chứng Dĩ An đang làm thủ tục công chứng cho khách hàng Ảnh: X.LẠC

- Ông có thể cho biết thẩm quyền công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch về bất động sản được quy định như thế nào?

- Theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng, CCV của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản. Nghĩa là CCV hành nghề tại tỉnh Bình Dương thì chỉ được công chứng các hợp đồng giao dịch về bất động sản tại Bình Dương mà không được công chứng các hợp đồng giao dịch về bất động sản ở địa phương khác.

Sắp tới, Sở Tư pháp sẽ cung cấp miễn phí các mẫu hợp đồng đơn giản trên website của sở (www.stp. binhduong.gov.vn) để người dân có thể tự soạn thảo nhằm giảm bớt chi phí công chứng. Luật Công chứng sửa đổi cũng quy định trường hợp người yêu cầu công chứng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách thì sẽ được xem xét miễn, giảm phí công chứng.

Ngoài ra, UBND các xã mà UBND tỉnh chưa quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì được chứng thực hợp đồng giao dịch đối với bất động sản trên địa bàn xã. Hiện nay, ở Bình Dương còn 13/91 xã, phường, thị trấn chưa chuyển giao thẩm quyền, chủ yếu là các xã ở địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng.

Đối với hợp đồng, văn bản về bất động sản trong khu công nghiệp thì Nghị định số 164/2013/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất quy định Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ thực hiện việc xác nhận.

- Xin ông cho biết quy định pháp luật về chi phí công chứng?

- Cần phân biệt rõ các loại chi phí khác nhau theo quy định của Luật Công chứng. Phí công chứng được thực hiện thống nhất trên cả nước theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Theo đó, phí công chứng được xác định theo (%) giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch. Đối với một số hợp đồng như: hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, hợp đồng bán đấu giá bất động sản, hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, di chúc… phí công chứng được quy định theo mức phí cố định. Ví dụ: Phí công chứng di chúc là 40.000 đồng, văn bản từ chối nhận di sản là 20.000 đồng.

Thù lao công chứng (khi người có nhu cầu công chứng yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, đánh máy, sao chụp hồ sơ...), Luật Công chứng năm 2014 quy định: thù lao do tổ chức hành nghề công chứng xác định theo mức trần do UBND quy định. Nếu thu cao hơn mức trần quy định thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ bị xử phạt. Hiện nay Sở Tư pháp đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về mức trần thù lao công chứng để áp dụng từ ngày 1-1-2015.

Ngoài ra còn có một số chi phí khác (chi phí xác minh, giám định...). Theo quy định, chi phí này sẽ do tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng thỏa thuận.

- Một số người dân cho rằng trình tự, thủ tục công chứng còn rườm rà, phức tạp. Ví dụ như hợp đồng mua bán xe phải đến văn phòng công chứng thay vì có thể đến UBND cấp xã, phường chứng thực như trước đây; hoặc hợp đồng về nhà đất đối với hộ gia đình buộc phải có mặt tất cả các thành viên hộ hoặc cả hai vợ, chồng cùng ký tên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Về hợp đồng mua bán xe thì mới đây, Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 3956/BTP-HTQTCT hướng dẫn hợp đồng mua bán, tặng cho xe của cá nhân thì người dân có quyền lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực chữ ký trên giấy bán, cho, tặng xe tại UBND cấp xã nơi thường trú của người bán, tặng, cho.

Về việc tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu tất cả các thành viên hộ từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc cả hai vợ chồng cùng ký tên trên hợp đồng về nhà, đất là tài sản chung của hộ gia đình hoặc tài sản chung của vợ chồng là đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân - Gia đình và Luật Đất đai năm 2013 nhằm bảo đảm quyền lợi của các đồng sở hữu tài sản và ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp phát sinh. Trường hợp thành viên hộ hoặc vợ, chồng không có điều kiện đến tổ chức hành nghề công chứng để ký tên thì có thể làm văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật.

Sở Tư pháp đã và đang rà soát, đơn giản các thủ tục công chứng, đồng thời chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng nghiên cứu, thực hiện đúng quy định pháp luật, tạo thuận tiện cho nhân dân nhưng vẫn chặt chẽ về mặt pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi và an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Những tổ chức hành nghề công chứng có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu công chứng hoặc cố tình bỏ qua các thủ tục, thành phần hồ sơ cần thiết theo quy định, gây rủi ro pháp lý, thiệt hại cho các bên do năng lực hạn chế hoặc nhằm cạnh tranh không lành mạnh đều sẽ bị thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Nếu phát hiện bất cứ tổ chức hành nghề công chứng hoặc CCV nào vi phạm quy định về thu phí, thù lao công chứng, vi phạm trình tự thủ tục công chứng hoặc có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong quá trình giải quyết yêu cầu công chứng, đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân phản ánh ngay cho lãnh đạo Sở Tư pháp theo số điện thoại đường dây nóng: 0918.035.335, chúng tôi sẽ xác minh và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

(Ông Bùi Duy Hiền, Giám đốc Sở Tư pháp)

 

(thực hiện) X.LẠC

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên