Lực lượng vũ trang Bình Dương: Những dấu ấn lịch sử - Kỳ 3

Cập nhật: 11-12-2014 | 08:18:19

Kỳ 3: Bộ đội Lam Sơn diệt ác, trừ ôn

>> Xem kỳ trước

 Trước bối cảnh Ngô Đình Diệm tuyên bố không thi hành Hiệp định Giơnevơ, đẩy mạnh “Tố cộng, diệt cộng”, bộ đội Lam Sơn đã ra đời với danh nghĩa “Đảng cướp rừng xanh” (ĐCRX) vừa đánh địch, vừa tổ chức cướp đồn điền cao su lấy tiền nuôi quân. Chỉ 4 năm hoạt động, Bộ đội Lam Sơn đã tạo nên một phong trào diệt ác phá kìm đều khắp; đồng thời có nhiều trận đánh gây ảnh hưởng đến phủ đầu rồng ở Sài Gòn.

 

Ông Phạm Văn Lo đang kể về người cha Phạm Văn Bồi của mình Ảnh: Q.CHIẾN

Những ngày tháng gian nan

Chúng tôi may mắn được ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sông Bé cũ, một trong số ít người biết về ĐCRX, đồng hành để tìm về những dấu tích còn lại của lực lượng này.

Nơi chúng tôi đến là nhà ông Phạm Văn Lo, con trai của Phạm Văn Bồi và là cháu gọi ông Phạm Văn Liễu bằng bác ruột ở phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Ông Phạm Văn Bồi và ông Phạm Văn Liễu là 2 người chỉ huy lực lượng ĐCRX. Hình ảnh đầu tiên gợi nhớ về hai chỉ huy này là di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi nhận công lao to lớn của họ. Ông Phạm Văn Lo cho biết, khi ông còn nhỏ, không biết cha và bác làm gì nhưng cứ thấy một thời gian dài, mỗi sáng sớm là thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đến tìm gặp ba ông nói chuyện cho tới trưa mới về. Còn ông được giao nhiệm vụ kiếm cỏ hoặc thóc cho ngựa ăn.

Như quay về hồi ức những năm tháng đau thương, ông Nguyễn Văn Hữu buồn bã kể, sau khi chính quyền tay sai được củng cố, ngày 7-7-1956, Ngô Đình Diệm tuyên bố không thi hành Hiệp định Giơnevơ, không hiệp thương tổng tuyển cử. Chúng điên cuồng khủng bố quần chúng, càn quét bắt bớ cán bộ, đảng viên, những người kháng chiến cũ, lập sổ “bìa đen” theo dõi những gia đình có người đi tập kết. Chính quyền Ngô Đình Diệm hô hào đẩy mạnh “tố cộng, diệt cộng” trên toàn miền Nam, hòng quét sạch cơ sở của Đảng. Chúng đưa ra khẩu hiệu: “Tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ nội tâm” với phương châm “không đánh cho có; có đánh cho chừa; thà giết nhầm hơn bỏ sót”. Ngày 10-7- 1956, Mỹ - Diệm mở chiến dịch “Trương Tấn Bửu”, công khai đánh phá phong trào cách mạng các tỉnh Đông Nam bộ. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt bớ, tra tấn, cầm tù; nhiều người bị giết hại dã man. Trong chiến dịch này, đồng chí Võ Văn Thuấn (Ba Tình), Bí thư Huyện ủy Châu Thành cũng bị bắt do những tên đầu hàng phản bội chỉ điểm. Có thể nói đây là thời kỳ đau thương nhất của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của miền Nam Việt Nam.

Để đối phó với sự khủng bố, đàn áp, bắt bớ của địch, một số cấp ủy ở các huyện đã kịp thời chỉ đạo cơ sở đưa cán bộ, đảng viên đang hoạt động hợp pháp có nguy cơ bị lộ bí mật bám rừng căn cứ cũ trú ém, đào hầm bí mật sống trong thế bất hợp pháp, không đi lại công khai để tránh sự đeo bám của địch.

Đặc biệt, tại huyện Châu Thành khi ấy, đồng chí Võ Văn Thuấn, Bí thư Huyện ủy bị địch bắt; đồng chí Nguyễn Như Phong được Tỉnh ủy chỉ định làm Bí thư. Từ giữa năm 1955 đến đầu năm 1956, Văn phòng Huyện ủy đã dựa vào một số cơ sở trung kiên ở ấp Phú Hòa, xã Hòa Lợi để làm địa điểm hội họp và làm việc. Cơ quan tuyên huấn của Huyện ủy cũng dựa vào đây để in ấn tài liệu cho cán bộ, đảng viên học tập. Khi địch thẳng tay đàn áp, cơ quan Huyện ủy, cũng như cán bộ, đảng viên có nguy cơ bị lộ đã bám rừng, đào hầm bí mật trú ém, nhờ cơ sở quần chúng che giấu và tiếp tế… Nhờ vậy, cán bộ, đảng viên ở từng xã có tổn thất nhưng không nơi nào bị đánh úp hoặc bị bắt gọn.

Trong giai đoạn này, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy Châu Thành đã bố trí một số cán bộ Ban Binh vận như Sáu Chắc, Ba Tiểu, Ba Nhành… tham gia vào lực lượng ĐCRX, do anh em Phạm Văn Liễu (Tám Liễu), Phạm Văn Bồi (Út Bồi) chỉ huy nhằm vận động lực lượng này diệt ác ôn, bảo vệ nhân dân. Để hạn chế sự lùng sục của địch, cuối năm 1956, tổ vũ trang tự vệ huyện Châu Thành, lấy danh nghĩa bộ đội Lam Sơn (thực chất là lực lượng vũ trang của anh Tám Liễu, Út Bồi được ta đưa cán bộ vào vận động cảm hóa) đã tổ chức phục kích đánh úp tiểu đội dân vệ tại khu vực sở Bác Vật, xã Tân Hiệp, diệt 7 tên địch, trong đó có tên Chấn, biệt kích chi khu. Tiếp đó là diệt tên Xứng, trưởng đồn An Hòa (Hòa Lợi) và tại sở Tây Bóc, đánh diệt một số tên dân vệ ở Tân Hóa, hạn chế địch bung ra lùng sục sâu vào địa bàn căn cứ cũ của ta ở Châu Thành.

Từ đầu năm 1957 tình hình trở nên khó khăn hơn cho cả cán bộ lẫn quần chúng. Nhiều chi bộ xã bị đánh phá, dẫn đến một số đồng chí vốn tích cực, phải lẩn tránh đi nơi khác làm ăn hoặc nằm hầm thụ động chờ thời cơ.

Tình hình cách mạng miền Nam lúc bấy giờ cần phải có lực lượng vũ trang tự vệ, bảo vệ cán bộ, bảo tồn lực lượng cách mạng là một tất yếu khách quan. Và chính những cán bộ, đảng viên bị địch khủng bố, truy bắt rút ra sống bất hợp pháp ở các vùng căn cứ cũ đã hình thành những đội vũ trang tự vệ, là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh sau này.

Diệt ác, trừ ôn

Ông Nguyễn Văn Hữu kể tiếp, tuy không đông về số lượng nhưng các thành viên trong ĐCRX đều có võ công cao cường. Họ thường chặn các đoàn xe của quan Tây, các tề xã và chủ đồn điền để “làm luật”. Số tiền, tài sản cướp được, phần lớn dùng vào việc nuôi quân, một phần chia cho dân nghèo. Từ khi có ĐCRX, nhiều tên tay sai bán nước cũng bị tiêu diệt. Chính từ các hành động nghĩa hiệp này mà ĐCRX được nhân dân thương yêu và che chở. Dù quan phụ mẫu, các tề xã và bè lũ tay sai truy tìm ráo tiết nhưng không bắt được một ai.

 Ông Nguyễn Văn Hữu và ông Phạm Văn Lo trước Bằng Tổ quốc ghi công của ông Út Bồi Ảnh: Q.CHIẾN

Ông Nguyễn Văn Hữu, cho biết: “Thời đó có nhiều tên ác ôn đã bán nước, bán nhân dân để cầu vinh. Điển hình là tên Xứng, đồn trưởng đồn An Hòa. Có lần, hắn dẫn quân đến ấp Phú Hòa bao vây nhà dân. Không cần biết có bộ đội hay không, hắn cho lính chĩa súng vào nhà dân và bắn xối xả, nhiều người đã bị giết oan ức. Chính vì những hành động man rợ đó nên nhân dân rất căm ghét tên phản bội này. Trước sự căm phẫn đó, Tám Liễu cho anh em theo dõi và nắm đường đi nước bước của tên đồn trưởng gian ác. Sau khi biết rõ tên này sẽ có công vụ trên lộ 2, tại cống Tây Bắc, ĐCRX đã “thay trời hành đạo”, tiêu diệt tên này ngay tại đó. Việc tên Xứng bị xử lý khiến cho nhân dân ai nấy đều vui mừng. Và danh sách các tên tề xã, phản gián bị ĐCRX xử lý lên tới vài chục. Chính vì vậy, ĐCRX rất được người dân thời bấy giờ sùng bái”.

Biết không thể mua chuộc được ĐCRX nên bọn Mỹ Diệm luôn ngắm đến và cho lực lượng tại Châu Thành quyết tiêu diệt lực lượng này. Ông Phạm Văn Lo, kể: “Cha tôi bị chúng phục kích và giết chết vào tháng 2-1958. Sau khi nghe tin ba tôi mất, bác Tám Liễu lúc đó đang ở Phước Tân, Biên Hòa lập tức trở về. Muốn trả thù cho em và nhân dân thống khổ, bác Tám Liễu đã tập hợp và củng cố lại lực lượng. Chính vì quá nóng lòng mà bác Tám Liễu cũng bị địch gài bẫy và giết chết một cách đau lòng…”.

Sau khi các thủ lĩnh của lực lượng ĐCRX lần lượt mất đi, các cán bộ của ta nắm và lãnh đạo lực lượng này, phối hợp với các lực lượng khác cùng với nhân dân giành nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng 2-1960, đồng khởi diễn ra trên diện rộng trong toàn tỉnh và giành được nhiều thắng lợi. Tuy ông Út Bồi, Tám Liễu về với đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng lực lượng ĐCRX vẫn tiếp tục hoạt động, cùng với nhân dân, bộ đội địa phương, quân đội chính quy đã giữ rừng Vĩnh Lợi vẹn toàn, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 Kỳ 4: Rừng thiêng Ba Rọ - dấu ấn còn ghi

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên