Ly hôn và những hệ lụy đến con trẻ

Cập nhật: 25-04-2016 | 13:06:56

Bà Trịnh Thị Huyền 

Tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt đáng báo động là độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa. Vấn đề ly hôn không chỉ là “chuyện của hai người” mà còn gây nên những hậu quả tiêu cực và ảnh hưởng lâu dài đối với con cái. Khi trẻ nhận thức được rằng cha mẹ sẽ không còn sống chung một nhà sau khi ly hôn thì đó sẽ là một đòn đau tác động mạnh mẽ đến tâm lý của trẻ. Sau đây là chia sẻ của bà Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh với vai trò một người phụ nữ, người mẹ, một cán bộ làm công tác về chăm sóc trẻ em.

 

 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh niên công nhân là một trong những cách giúp tỷ lệ ly hôn trong đối tượng này giảm. Ảnh: TÂM TRANG

Chuyện ly hôn ngày nay rất phổ biến, có thể nhìn thấy xung quanh chúng ta. Ngoài việc mất bình đẳng, bạo lực, ngoại tình thì có rất nhiều nguyên nhân để các cặp vợ chồng phải ly hôn. Có những vấn đề không thể giải quyết và ly hôn chính là phương pháp giải thoát cho cả hai. Tôi không phê phán, cũng không cổ vũ ly hôn. Bản thân tôi, một người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, sau khi đọc những bài báo viết về tình trạng ly hôn ngày gia tăng đã suy nghĩ nhiều về những hệ lụy của nó mang lại, đó là tâm sinh lý của những đứa trẻ khi cha mẹ đưa nhau ra tòa.

Theo tôi, đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, nhi đồng, thiếu vắng tình thương của cha hoặc mẹ, trẻ dễ trở nên còi cọc và yếu đuối tinh thần; đứa trẻ có xu hướng co mình, khó hòa nhập vào tập thể và lĩnh hội các kỹ năng sống cơ bản từ chăm sóc bản thân tự lập, tới đón nhận và bộc lộ tình yêu thương hồn nhiên với mẹ (cha) và cả người khác. Những dấu vết trầm cảm nhỏ và lớn là khó tránh khỏi ở đứa bé hiện tại và sau này. Đối với trẻ nhỏ, sau khi cha mẹ ly dị, chúng gặp nhiều khó khăn trong học tập hoặc trong sinh hoạt, chẳng hạn như: Không thể tập trung trong giờ học, hay quên... Những trẻ lớn hơn thì chán học, hay quậy phá trong lớp, bỏ học...

Ở trẻ lớn hơn, khó khăn đối với chúng lại thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Ở các em sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình, dễ cáu bẳn, dễ nổi nóng và có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh. Một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly dị của cha mẹ để lại cho trẻ trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Tôi được biết nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.

Mặt khác, khi cha mẹ ly hôn, trẻ thường phải thay đổi chỗ ở, sự thay đổi này làm xáo trộn tâm lý của trẻ; trẻ sẽ cảm thấy cô đơn, lo sợ bị bỏ rơi, bởi trong những hoàn cảnh bình thường con cái bao giờ cũng nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ thì khi ly dị xảy ra, chúng rất ít hoặc hầu như không nhận được sự giúp đỡ đó.

Ở những gia đình đã ly hôn, trẻ thường cảm thấy chán nản cuộc sống gia đình. Thiếu đi người cha hay vắng đi người mẹ, trẻ đều không được giáo dục một cách chu đáo khiến chúng chán nản, suy sụp tinh thần, đua đòi, bỏ học, nhiều trường hợp phạm tội ở tuổi vị thành niên…

Nhiều bậc cha mẹ sau khi ly hôn thì cũng chấm dứt luôn trách nhiệm và nghĩa vụ đối với con cái, không tới thăm và cấp dưỡng nuôi con. Con cái là tài sản chung vô giá của cha mẹ nhưng người nuôi con thì luôn gây khó khăn, ngăn cấm người kia tới thăm con mình. Nhiều khi họ lại kể xấu cha (mẹ) trước mặt con cái, tạo cho chúng những ấn tượng và suy nghĩ không tốt về người đã sinh ra mình. Vô tình họ đã biến con như “vật sở hữu riêng” khiến cho tình cảm cha mẹ - con cái ngày một sứt mẻ.

Trước sức ép lớn như vậy, con cái bị ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý và sự phát triển về thể chất, trí tuệ. Theo tôi, các chuyên gia tâm lý cần phải nghiên cứu một số biện pháp giúp con trẻ vượt qua khủng hoảng khi cha mẹ ly hôn. Để giúp con trẻ tổn thương ít nhất, cả cha và mẹ đều phải bắt tay cộng tác trong vấn đề này. Nếu chỉ một người cố gắng giúp con an tâm thì tỷ lệ thành công là rất nhỏ. Cả cha mẹ cần bảo đảm chắc chắn rằng, cả hai vẫn là cha mẹ của con, duy trì tình yêu thương và là chỗ dựa vững chắc cho con; cha mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc các con đến khi trưởng thành; bảo vệ con khỏi những cám dỗ và cạm bẫy ngoài xã hội; đặt ra những quy tắc chuẩn mực sống cho con nếu cha mẹ thấy cần thiết; đặc biệt không nên đặt điều nói xấu, chửi bới, mắng nhiếc đối phương trước mặt con cái; vợ chồng tuy ly dị nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nghiên cứu cho thấy, con trẻ có thể sống vui hơn nếu chúng biết rằng, mặc dù cha mẹ không còn chung sống nhưng vẫn đối xử với nhau trên tinh thần tôn trọng và lịch sự. Điều tốt hơn hết là hãy để gia đình trở thành tổ ấm, là nơi bảo vệ cho những đứa con bé nhỏ.

 “... Khi ly hôn, cả cha và mẹ không nên đặt điều nói xấu, chửi bới, mắng nhiếc đối phương trước mặt con cái; vợ chồng tuy ly dị nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nghiên cứu cho thấy, con trẻ có thể sống vui hơn nếu chúng biết rằng, mặc dù cha mẹ không còn chung sống nhưng vẫn đối xử với nhau trên tinh thần tôn trọng và lịch sự. Điều tốt hơn hết là hãy để gia đình trở thành tổ ấm, là nơi bảo vệ cho những đứa con bé nhỏ”, bà Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ suy nghĩ.

 Để hạn chế tình trạng ly hôn, đặc biệt là thực trạng độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa hiện nay, theo tôi nghĩ có một số hành động cụ thể như sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động xã hội về tác hại của việc ly hôn.

- Cung cấp các thông tin, kiến thức cho người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp thông qua các tờ rơi, sách mỏng giúp họ có điều kiện tiệm cận các thông tin một cách dễ dàng và có thêm các kỹ năng, kiến thức để hạn chế tình trạng ly hôn.

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông về hậu quả và sự ảnh hưởng của tình trạng ly hôn. 

 Tăng cường tuyên truyền pháp luật cho thanh niên công nhân

Trước thực trạng ly hôn gia tăng như hiện nay, đặc biệt là trong công nhân, nhiều người cho rằng nguyên nhân có thể do kiến thức pháp luật của một số đối tượng còn hạn chế. Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh đã có nhiều cách làm nhằm đưa kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới đến đối tượng thanh niên công nhân bằng nhiều hình thức như tổ chức các sân chơi, các buổi tuyên truyền trực tiếp, những ngày hội… Hàng ngàn thanh niên công nhân đã được thụ hưởng từ những hoạt động này. Tuy nhiên có lẽ có một bộ phận không nhỏ chưa có điều kiện để tham gia, vì thế kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình của họ còn hạn chế, kỹ năng giải quyết xung đột trong gia đình không có. Chính vì vậy mà khi xảy ra bất hòa trong gia đình là dẫn đến đổ vỡ, khó hàn gắn… Để hạn chế tình trạng này, thiết nghĩ công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa qua nhiều kênh và phải thực tế với từng đối tượng.

Bạn đọc N.H.T (TX.Dĩ An)

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên