Măng cụt An Tây cần thương hiệu

Cập nhật: 25-10-2014 | 08:35:48

Bên cạnh thương hiệu măng cụt Lái Thiêu (TX.Thuận An) và gần đây là măng cụt Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) nhiều lần được xếp hạng nhất, nhì trái cây ngon trong Lễ hội trái cây Nam bộ tổ chức tại Khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM), vùng đất Bình Dương còn một nơi trồng măng năng suất cao, chất lượng tốt nhưng chưa được “khám phá”, đó là xã An Tây (TX.Bến Cát).

 Người trồng măng cụt ở xã An Tây rất phấn khởi vì năng suất cao, chất lượng tốt. Trong ảnh: Vườn măng cụt của gia đình ông Nguyễn Thanh Long (bên phải)

 Ông Trần Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tây cho biết, nhiều người trong xã không biết ai là người đầu tiên đưa cây măng cụt lên trồng ở An Tây và gia đình nào trồng sớm nhất; chỉ dự tính măng cụt được trồng từ những năm 1970.

Trước đây, măng cụt ở An Tây được trồng bằng hạt ươm, 8 - 10 năm sau khi trồng mới cho thu hoạch; người dân trồng măng xen canh với cây ăn trái khác để lấy ngắn nuôi dài nên diện tích măng cụt còn ít. Hiện nay, người trồng măng cụt mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật nên chỉ sau 5 năm trồng măng đã cho thu hoạch. Giá thành ổn định, trái có vị ngon, ngọt hơn nên nhiều gia đình trong xã đã cải tạo đất trũng để trồng măng cụt. Nhờ đó, hiện nay diện tích măng cụt trên địa bàn xã An Tây đã lên trên 90 ha, với trên 350 hộ dân trồng. Măng cụt được trồng nhiều nhất ở 2 ấp An Thành và Rạch Bắp, mỗi ấp trồng trên 30 ha.

Ông Trần Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Tây cho biết, trong 2 năm 2008 và 2009, nhiều gia đình trong xã đã vươn lên làm giàu từ những vụ măng. Lợi nhuận cao, nhiều nhà vườn đang trồng rau màu, chôm chôm, sầu riêng chuyển sang trồng măng cụt. Như mùa măng cụt vừa qua cho năng suất cao, giá thành ổn định, giúp người dân thêm vững tin để phát triển vườn cây.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Long ở ấp An Thành là một trong những điển hình thoát nghèo nhờ cây măng cụt ở xã An Tây. Trước đây, gia đình ông Long chủ yếu làm lúa, hoa màu; giá cả bấp bênh, hay sâu bệnh, đời sống gia đình vì thế gặp nhiều khó khăn. Về sau ông quyết định chuyển sang trồng măng cụt. Sau thời gian chăm sóc, vườn măng gần 2 ha của gia đình ông cho thu hoạch mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Kinh tế ổn định, gia đình ông có điều kiện cho các con ăn học đến nơi đến chốn. “Măng cụt An Tây không thua kém chất lượng măng cụt ở Lái Thiêu, Thanh Tuyền. Đất không bị nhiễm phèn, không bị ô nhiễm không khí nên trái măng An Tây có vị ngọt, thơm, đủ khả năng cạnh tranh ngoài thị trường. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tận dụng diện tích đất còn trống để trồng măng cụt”, ông Long chia sẻ.

Măng cụt ở An Tây ngon, chất lượng nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều người biết đến. Đây là điều còn băn khoăn của người trồng măng trong xã. Họ mong muốn các ngành chức năng xem xét, tạo mọi điều kiện để măng cụt An Tây được đăng ký thương hiệu. Có thương hiệu, người dân sẽ yên tâm đầu tư bởi đầu ra sản phẩm ổn định, đồng thời còn khẳng định đặc sản của địa phương.

 

 ĐỖ TUÂN

 

Chia sẻ bài viết
Tags
mang cut

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên