Mạng xã hội - kênh tuyên truyền hiệu quả trong thanh niên công nhân

Cập nhật: 22-09-2018 | 08:58:26

Thời gian qua, xác định công tác tuyên truyền (CTTT) giáo dục là chức năng trọng tâm của tổ chức công đoàn, những năm qua Công đoàn Bình Dương đã tập trung đổi mới, đa dạng hóa CTTT; trong đó hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội được đánh giá khá hiệu quả, phù hợp với đặc điểm làm việc và sinh hoạt của công nhân lao động (CNLĐ) hiện nay. 

Điều hành qua Zalo, Facebook

Tại các tổ chức công đoàn ở Bình Dương, Facebook, Zalo không còn đơn thuần là nơi đăng tải những trạng thái cá nhân mà đã trở thành một kênh tuyên truyền, một công cụ điều hành hiệu quả của các cấp công đoàn bởi sự tương tác nhanh chóng, kịp thời với chi phí thấp nhất. Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết hiện nay, LĐLĐ tỉnh đã thành lập được nhiều nhóm Facebook, Zalo và hoạt động khá hiệu quả. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh đã thành lập nhóm Zalo “Cán bộ công đoàn chủ chốt”, gồm các đồng chí thường trực, trưởng, phó ban LĐLĐ tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cấp trên cơ sở và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Nhóm này do đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh điều hành. Thời gian qua, nhóm “Cán bộ công đoàn chủ chốt” thực hiện các nhiệm vụ như thông tin kịp thời ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh; nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình tư tưởng của CNLĐ, tình hình quan hệ lao động và các diễn biến khác; định hướng công tác tuyên truyền, cung cấp các thông tin liên quan an ninh trật tự trong và ngoài tỉnh, các vấn đề nhạy cảm có liên quan đến CNLĐ.

Thông qua mạng xã hội, công tác tuyên truyền, cũng như điều hành của các cấp công đoàn thuận lợi hơn. Trong ảnh: Bà Mai Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Triumph International Việt Nam đang trao đổi với Ban Chấp hành Công đoàn công ty qua group zalo nhóm

Nhóm thứ hai là nhóm Zalo “Công đoàn Bình Dương” gồm cán bộ chuyên trách công đoàn trong tỉnh, chủ tịch công đoàn cơ sở có đông CNLĐ nhằm nắm bắt thông tin về đời sống, việc làm và các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, dư luận xã hội; trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn các cấp, nhất là giải quyết các tình huống; tư vấn pháp luật lao động và công đoàn; tuyên truyền những nội dung cần thiết theo từng thời điểm; vận động, hỗ trợ khi có những vấn đề cấp thiết phát sinh.

Song song đó, LĐLĐ tỉnh thành lập trang Facebook “Công đoàn Bình Dương”. Mục đích của trang này là thông tin kịp thời và định hướng tuyên truyền rộng rãi đến các cấp công đoàn trong toàn tỉnh kịp thời; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn trong cả nước; tư vấn pháp luật lao động và công đoàn; phát huy tính tương tác, thông tin nhiều chiều các vấn đề liên quan đến CNLĐ và hoạt động công đoàn. Riêng nhóm Facebook “CTV CĐBD” (Cộng tác viên Công đoàn Bình Dương) với 89 thành viên là những cán bộ công đoàn chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm mục đích “đánh chặn” các trang Facebook, các thông tin xấu kích động, lôi kéo, xúi giục CNLĐ; cử cán bộ phụ trách IT của LĐLĐ tỉnh tham gia khóa học chuyên về công nghệ mạng xã hội, sau đó tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách công đoàn trong toàn tỉnh về kỹ năng phản biện, “đánh chặn” các thông tin, luận điệu sai trái của các phần tử xấu trên mạng xã hội.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn xây dựng kênh Youtube “Công đoàn Bình Dương” với mục đích truyền tải những clip, hình ảnh mang tính tuyên truyền; tổ chức các hội thi online, trực tuyến, gameshow…; đẩy mạnh công tác tuyên truyền của tổ chức công đoàn qua hệ thống mạng như thành lập Tạp chí Lao động Bình Dương online, các trang website của LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn, các đơn vị sự nghiệp, các nhóm Zalo, Facebook của các cấp công đoàn.

Kết nối những tấm lòng

Cùng với việc thực hiện CTTT, mạng xã hội còn là nơi gắn kết những tấm lòng. Chắc hẳn nhiều người chưa quên được vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ở tỉnh Quảng Nam, khi chiếc xe đang trên đường đi từ tỉnh Quảng Trị vào tỉnh Bình Định rước dâu. Chú rể Nguyễn Khắc Long (làm việc tại tổ y tế Nhà máy thép An Hưng Tường, TX.Bến Cát) cùng 12 khác người tử vong. Trước sự việc đau lòng này, LĐLĐ tỉnh đã dùng ứng dụng Zalo kêu gọi cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở của Bình Dương ủng hộ. Kết qua, chỉ trong vòng một buổi tối vận động qua kênh Zalo “Công đoàn Bình Dương”, LĐLĐ tỉnh đã vận động được với số tiền gần 300 triệu đồng. Công đoàn tỉnh, huyện và công đoàn cơ sở đã tổ chức đoàn về tận quê viếng và chia buồn cùng gia đình.

Có thể nói, trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc tạo ra một diễn đàn cho thanh niên công nhân, người lao động để họ trực tiếp trao đổi với tổ chức công đoàn là một yếu tố tích cực và đi đúng hướng. Điều này vừa góp phần kịp thời thông tin định hướng dư luận trong CNLĐ, vừa thông qua đó để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ để kịp thời có hướng xử lý, giải quyết.

 Các mạng xã hội do LĐLĐ tỉnh lập ra đã và đang được tuyên truyền, vận dụng hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và đặc điểm tình hình của hệ thống công đoàn trong tỉnh, thông tin hai chiều được phản ánh nhanh chóng, kịp thời. Công tác chỉ đạo, điều hành vì thế mà thông suốt, mang tính chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, nhiều vấn đề nóng được giải quyết sớm khi mới có dấu hiệu. Khi có các điểm “nóng”, cán bộ công đoàn, CNLĐ đã phát hiện, báo cáo về cấp trên nhiều thông tin quan trọng; qua đó xử lý, giải quyết kịp thời các tình huống...

(Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo
Liên đoàn Lao động tỉnh)

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên