Mạnh tay với tin xấu, độc trên mạng xã hội

Cập nhật: 05-07-2017 | 08:10:53

Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho con người. Với những tính năng không biên giới, mạng xã hội đã trở thành một công cụ để đưa thế giới xích lại gần nhau hơn, con người học hỏi lẫn nhau được nhiều hơn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của con người, của xã hội. Tuy nhiên, cũng từ khi có mạng xã hội, mặt trái của nó cũng bắt đầu lan rộng khi ý thức của những người dùng mạng xã hội còn có nhiều vấn đề. Vì sự phát triển, chúng ta không thể cấm mạng xã hội nhưng cũng vì sự phát triển mà chúng ta phải mạnh tay với những thông tin được xem là xấu, độc, ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội.

 Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã cho biết, thời gian qua, Bộ đã triển khai cơ chế liên quan đến việc gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Đến nay, các cơ quan chức năng đã đề nghị và gỡ bỏ được 2.004 video xấu độc trên Youtube. Về phía Facebook cũng cam kết phối hợp với Bộ ưu tiên gỡ bỏ tài khoản giả danh, giả mạo các cá nhân, tổ chức; đồng thời thiết lập một kênh riêng ưu tiên đăng các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến nay, theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức đã gỡ bỏ 106 tài khoản Facebook giả mạo, một kênh phản động với 500 video, 132 tài khoản phản động nói xấu lãnh đạo cấp cao…

Mạnh tay là cần thiết để hướng xã hội vào một “quỹ đạo” tích cực, hạn chế tối đa những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh. Ở một đất nước văn minh bậc nhất như Cộng hòa liên bang Đức cũng đã rất mạnh tay với mạng xã hội. Luật mới vừa ra đời của Đức đã áp dụng cho các mạng xã hội có từ 2 triệu người trở lên và các biện pháp xử phạt sẽ có hiệu lực từ tháng 10 tới. Với cá nhân đứng đầu công ty không tuân thủ quy định mới thì số tiền phạt có thể lên tới 5,5 triệu USD trong khi với tổ chức, mức phạt sẽ lớn gấp 10 lần. Luật mới của Đức được đưa ra trong bối cảnh nhiều tin tức giả mạo về các vụ khủng bố xuất hiện trên Facebook và Youtube. Nhiều người cũng trở thành mục tiêu tấn công trên mạng xã hội của những kẻ cực đoan. Trước đó, vào năm 2015, Đức cũng đã buộc Facebook, Twitter và Youtube của Google tham gia bộ quy tắc ứng xử, bao gồm cam kết xóa những phát ngôn thù hận trên nền tảng của mình trong 24 giờ…

Có thể thấy, đất nước Đức không cấm mà họ đã điều chỉnh để kiềm chế hành vi tiêu cực của con người, thậm chí là điều chỉnh cả những ông chủ của các mạng xã hội. Đất nước ta đang chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì mạng xã hội là một kênh quan trọng để nhân dân giám sát, phản biện. Để mọi cá nhân không lãng phí thời gian vào những thông tin xấu hay là những hình ảnh dã man, rùng rợn để câu view thì không chỉ là tuyên truyền, giáo dục mà cũng phải cần mạnh tay để điều chỉnh, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển.

 T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên