Mật mã trước giờ G

Cập nhật: 27-04-2017 | 06:10:37

Bài 2: Những điệp vụ cài người

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, vai trò của má Sáu ngày càng nổi bật, cống hiến nhiều cho cách mạng tại địa phương. Má Sáu được tổ chức giao rất nhiều nhiệm vụ, ở bài viết này chúng tôi chỉ kể về hai nhiệm vụ, đó là: Vận động những trí thức yêu nước theo cách mạng và cài người, xây dựng cơ sở trong lòng địch.

Để  giữ  bí  mật  hoạt  động trong lòng địch, hai người con ruột của má Sáu sinh ra không dám mang họ Đinh của cha là liệt sĩ Đinh Quang Kỳ, tức Tư Ca mà phải mang họ Huỳnh của mẹ, mặc cho miệng đời thế gian chê cười, dị nghị là những đứa “con hoang”, má Sáu vẫn cắn răng chịu đựng. Những ngày lên rừng chiến khu báo cáo tình hình địch, má phải đi bộ từ sáng sớm, băng rừng, lội suối, luồn lách qua đồn bót và các trạm kiểm soát gắt gao của địch. Có những lần chuyển công văn, tài liệu khẩn lên chiến khu phải vượt qua mưa bom, bão đạn, bị bom B52 rải thảm, má chết đi, sống lại nhiều lần, nhưng khi tỉnh lại má càng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Di chứng do những trận bom để lại sau những lần đi công tác thường xuyên hành hạ thể xác má suốt thời gian dài, dẫn đến má điếc cả hai tai. Thế nhưng, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, má Sáu cũng nêu cao ý chí tiến công cách mạng đến cùng. Thành tích và chiến công của má ngày càng dày thêm.

Tác giả cùng với các nhân vật trong bài viết chụp ảnh lưu niệm (thứ tư từ phải qua: Tác giả, bà Huỳnh Thị Chung, ông Huỳnh Văn Phục, anh Huỳnh Văn Đức và chị Huỳnh Thị Kim Ngân, con má Sáu…)   Ảnh: P. V

Chúng  tôi  đến  thăm  ông Đặng Văn Hai, nhà ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Thủ Dầu Một. Ông Hai là người được má Sáu giác ngộ đi theo cách mạng, hoạt  động  chống  Mỹ  từ  năm 1960 cho đến ngày 30-4-1975, với bí danh Kỳ Đông. Qua lời kể của ông Hai và hồ sơ của má Sáu, chúng tôi càng thêm than phục những thành tích hoạt động xuất sắc của má. Ông Hai cho biết: Năm 1964, ông được má Sáu dẫn vào chiến khu ở Cỏ Trách (Thanh An, Dầu Tiếng). Tại đây, ông được ông Tư Ca, chồng má Sáu  bồi  dưỡng,  chỉ  dẫn  cách thức hoạt động trong lòng địch. Trong thời gian này, má Sáu còn vận động được rất nhiều người đưa vào rừng đào tạo và đưa trở về làm nòng cốt, hoạt động trong lòng địch như anh Huỳnh Trung Hậu, sau này anh Hậu hy sinh (hiện nay gia đình người thân của anh ở gần chợ Búng); cô giáo Phan Thị Hóa, nhà ở Tân An, Thủ Dầu Một; ông Nguyễn  Quốc  Phú, giáo viên, Phó Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước tỉnh Bình Dương. Sau này ông Phú được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh  hùng  lực  lượng  vũ trang nhân dân, quê ở Tân Phước Khánh,  TX.Tân  Uyên;  liệt  sĩ Trần Văn Bửu, tức Hoàng Châu; ông Đỗ Hữu Trọng, sau này là Tổng Giám đốc một công ty sản xuất gỗ ở TP.Hồ Chí Minh; ông Phan Thế Hà, giáo viên, ra rừng năm 1962, nhà ở Thanh Tuyền,Dầu Tiếng…

Ông Đặng Văn Hai, người từng được má Sáu Ngẫu giác ngộ cách mạng  Ảnh: P. V 

Theo lời hẹn, một buổi sáng tháng 4, chúng tôi cùng các cựu chiến binh - đồng đội của má Sáu đã có cuộc gặp gỡ tại nhà anh Huỳnh Văn Đức, con trai má Sáu Ngẫu. Mọi người đến bên bàn thờ má và liệt sĩ Tư Ca, cùng thắp nén nhang thơm, tưởng nhớ hương hồn những người con ưu tú của Tổ quốc. Người chúng tôi trò chuyện trước tiên là ông Huỳnh Văn Phục, nguyên chiến sĩ  đội  5,  Biệt  động  Sài  Gòn. Trong những năm đánh Mỹ, đội 5 anh hùng đã từng đánh những trận lớn, ác liệt nhất tại Sài Gòn như: Khách sạn Caravelle, cư xá Brink, Tổng nha cảnh sát, Tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi,khách sạn Metropol, Victoria… dưới sự chỉ huy tài tình của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân, tức Bảy Bê.

Chính má Sáu Ngẫu là người trực  tiếp  đào  tạo,  bồi  dưỡng, sau đó gửi ông Phục vào đội 5, Biệt động Sài Gòn. Năm 1971 và 1972, lực lượng biệt động đã chấp thuận để ông Phục đi lính Việt Nam Cộng hòa, đồn trú tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cuối năm 1972, địch chuyển ông Phục ra chiến  trường  Lộc  Ninh.  Ông Phục kể lại: “Vì không thể cầm súng bắn vào đồng đội của mình, nên chỉ sau một đêm ở trại lính tôi bỏ trốn và tìm đến nhà người quen nhờ nhắn tin cho chị Sáu Ngẫu và hôm sau chị Sáu đã có mặt ở Lộc Ninh”. Nhờ sự mưu trí và khéo léo, má Sáu đã tổ chức cho ông Phục về lại Sài Gòn bằng đường công khai, vượt qua được các trạm kiểm soát dày đặc của địch.

Ông Phục sau đó được tổ chức tiếp tục cài đi lính pháo binh của địch ở Biên Hòa, nhằm nắm tình hình quân địch báo về tổ chức. Trong tháng 4 rực lửa năm 1975, ông Phục đã tự hủy hoại thân thể, đập gãy cánh tay của mình nhằm trốn lính để về tham gia dẫn đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, ông Phục là cán bộ thanh tra Nhà nước ở TP.Hồ Chí Minh. Cho đến nay, hồ sơ

mật của ông Phục được Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TP.Hồ Chí Minh lưu giữ, với những thành tích hoạt động rất cụ thể. Thời gian đã trôi qua hơn 40 năm, nhưng khi nhắc đến mà Sáu, ông Phục rất xúc động và bày tỏ lòng biết ơn. Ông tâm sự: “Chị Sáu là người đã cứu nguy và đưa tôi trở về từ chiến trường ác liệt; là người dạy dỗ, đồng thời dìu dắt tôi theo con đường cách mạng”.

Trong  cuộc  kháng chiến  chống  thực  dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều căn cứ kháng chiến  nổi  tiếng  như Chiến khu Đ, Chiến khu Long Nguyên, Tam giác sắt, Chiến khu Vĩnh Lợi và không thể không kể đến Chiến khu Thuận An Hòa, bởi đây là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não tỉnh Thủ Dầu Một và các tỉnh lân cận để chỉ đạo kháng chiến. Những người kháng chiến trong rừng chiến khu luôn được sự hỗ trợ tiếp tế của lực lượng  du  kích  và  nhân dân địa phương như lương thực,  thuốc  chữa  bệnh, quần áo, tin tức địch và tuyên  truyền  vận  động móc  nối  để  đưa  những người yêu nước vào rừng tham  gia  kháng  chiến. Bà Sáu Ngẫu là một trong những người hoạt động bí mật trong lòng địch, rất tích cực, dũng cảm, mưu trí và có hiệu quả cao, đóng góp cho chiến khu những yêu cầu bức thiết trong những năm chiến tranh ác liệt đầy gian khổ.

(Ông  Lê  Quốc  Duy, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nguyên Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu)

Có mặt tại nhà anh Đức, bà Huỳnh Thị Chung cũng không giấu được cảm xúc bồi hồi khi kể về má Sáu. Bà Chung nay đã nghỉ hưu sống ở TP.Hồ Chí Minh. Bà kể lại: “Chị Sáu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1948, làm thư ký phụ nữ xã rồi lên huyện, lên tỉnh. Chính chị Sáu là người chỉ đạo và đưa tiễn tôi lên đường tập kết ra Bắc năm 1954”. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Chung trở về miền Nam, công tác tại Quân y viện 175 - Bộ Quốc phòng, với quân hàm đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bài 3: Ngọn đèn trong đêm

KIẾN GIANG 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên