Mật mã trước giờ G- Bài 3

Cập nhật: 28-04-2017 | 10:05:29

Bài 3: Ngọn đèn trong đêm

Dịp 30-4 năm nào cũng vậy, các cựu chiến binh Trung đoàn 27, còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 đã vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về Lái Thiêu (TX.Thuận An) cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước, rất thân thiết với trung đoàn. Vẫn chiếc ba lô khoác trên bộ quân phục màu xanh, các chiến sĩ năm xưa nay tóc đã bạc, nét mặt ai cũng bồi hồi xúc động. Họ trở lại chiến trường xưa, về bên má với biết bao ký ức về một thời đạn lửa đang trỗi dậy trong mỗi tấm lòng.  

Bên tấm bản đồ đêm 29-4 tại nhà má Sáu (lần lượt từ trái qua: Huỳnh Thị Kim Ngân - con má Sáu, Chính ủy Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, em Huỳnh Văn Đức - con má Sáu). (Ảnh chụp lại)

Sau những giây phút đồng đội gặp lại nhau trong niềm vui và cả nỗi nhớ thương các đồng chí đã hy sinh, các cựu chiến binh cùng nhau đến khu mộ của má Sáu Ngẫu dâng hương, tỏ lòng tri ân bà má Bình Dương trung hậu, kiên cường. Sau khi má Sáu qua đời vào năm 1989, tỉnh Bình Dương đã cấp một lô đất và phối hợp với Trung đoàn 27 xây cho má một ngôi mộ tại quê nhà, nằm giữa bạt ngàn cây trái Lái Thiêu. Trên tấm bia có dòng chữ: Trung đoàn Triệu Hải - Đại đoàn Đồng bằng ghi công má đã dẫn đường cho trung đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cách đây 42 năm về trước, trong lúc Trung đoàn 27 đang lao động trên công trường đắp đê sông Đáy, phân lũ sông Hồng, thuộc huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình, thì sáng ngày 16-3-1975 nhận được lệnh hành quân cơ giới gấp vào Nam chiến đấu. Sau những ngày hành quân thần tốc, rừng Trường Sơn rùng rùng chuyển động, dậy tiếng quân reo đưa đoàn quân tiến vào tập kết tại rừng Tân Uyên, chuẩn bị bước vào trận đánh quyết tử. Họ cùng nhau thực hiện lời thề đầy khí phách: Trong trận đánh cuối cùng này, trung đoàn chúng ta có thể chỉ còn lưu danh vào sử sách. Nếu phải hy sinh, mặt chúng ta phải hướng về Sài Gòn. Rừng Tân Uyên năm ấy như vỡ òa trước khí thế sục sôi cách mạng.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 27 thắp hương tưởng nhớ bên mộ má Sáu. Ảnh: P.V

Tại nhà anh Huỳnh Văn Đức, con má Sáu Ngẫu hiện còn cất giữ một chiếc đèn dầu. Anh Đức nói, đây là kỷ vật còn lại duy nhất của gia đình anh. Những kỷ vật như tấm bản đồ và nhiều thứ khác đã được Bộ Quốc phòng đưa về bảo tàng trưng bày. Chiếc đèn dầu được làm bằng quả đạn Mỹ, cao chừng một gang tay. Anh Đức kể lại: “Đêm 28-4, khi tiếng súng quân ta nổ dồn dập khắp chiến trường, tôi thấy má tôi không ngủ, cứ đi ra, đi vào cầm chiếc đèn trên tay. Sau này tôi mới biết, đó là ám hiệu của cơ sở cách mạng được quy ước từ năm 1968. Sáng 29-4 má tôi dậy từ rất sớm giục chúng tôi lên rẫy. Ra đến đường lộ đã thấy xe tăng của ta xếp hàng dài giữa rừng cao su. Má con tôi lập tức trở về nhà!”.

Đoàn xe tăng ngoài kia là của bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 27, Quân đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính ủy Trịnh Văn Thư chỉ huy, đang dừng lại chuẩn bị sáng 30-4 đánh vào Chi khu Lái Thiêu. Các anh đang trinh sát chiến trường! Lực lượng địch phía trước như thế nào, quân số bao nhiêu tên, công sự, vũ khí bố trí ra sao… là những điều các anh cần biết trước giờ nổ súng. Nhưng bây giờ làm sao để biết?! Thời gian không cho phép bộ đội dừng lại lâu. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đang suy nghĩ và chợt nhớ lại các quy định mật của trung đoàn: “Mật mã của Trung đoàn 27 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là BK 19. Mật khẩu hỏi: Hồ Chí Minh. Đáp: Muôn năm. Trên ngực mỗi người có miếng vải đỏ”. Kiểm tra lại quy ước mật xong, người Trung đoàn trưởng đưa mắt nhìn vào một mái nhà tranh đang le lói ngọn đèn dầu từ chập tối đến giờ. Lập tức, anh cho bộ đội triển khai “bao vây” ngôi nhà. Một trinh sát gõ cửa. Cốc, cốc, cốc! Trong nhà có tiếng vọng ra. Ai đấy? Chúng tôi là quân giải phóng - người chiến sĩ trả lời. Bỗng cửa nhà mở ra, một bà má giơ cao ngọn đèn dầu và nhìn thấy miếng vải đỏ trên ngực bộ đội. Má nghiêm nét mặt, xúc động hô to: Hồ Chí Minh. Quá vui mừng vì gặp được mật mã cơ sở cách mạng, các chiến sĩ đáp lại: Muôn năm! Muôn năm!

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 bên chiếc đèn dầu... Ảnh: P.V

Tiếng vang dậy cả khu rừng. Thời gian không cho phép mọi người trò chuyện lâu. Chỉ huy Trung đoàn 27 mở tấm bản đồ (loại của Mỹ) trải lên bàn và nhờ má thông tin chi tiết về quân địch ở Chi khu Lái Thiêu. Nhìn tấm bản đồ của Mỹ, má Sáu Ngẫu xua tay và đi vào nhà trong lấy lên một tấm bản đồ khác đã úa vàng. Má nói trong xúc động: “Đây là tấm bản đồ của anh Tư Ca, chồng má đã vẽ rất chi tiết trong những ngày xuống đường năm Mậu thân 1968”. Trước lúc hy sinh, ông Tư Ca đã kịp giao cho má bản đồ này và dặn, khi nào quân giải phóng tiến về thì trao lại. Kể từ đó, mỗi khi quân địch thay đổi vị trí, quân số, phạm vi lực lượng trên toàn tuyến phòng thủ từ Chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn, má đều vẽ lại và thuộc nằm lòng.

Cầm tấm bản đồ trên tay, Ban chỉ huy Trung đoàn 27 mừng như mở cờ trong bụng. Mọi người đứng dậy cảm ơn và tạm biệt má để xông vào trận chiến, thề quét sạch quân địch, mở đường cho đại quân ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng, đoàn quân lập tức bước vào trận đánh.

Câu chuyện về má Sáu Ngẫu xin tạm dừng ở đây. Được biết, hiện nay Ban Liên lạc Trung đoàn 27 đang phối hợp với chính quyền tỉnh Bình Dương hoàn tất hồ sơ, đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho má Sáu Ngẫu. Còn với chúng tôi - thế hệ những người đi sau, cuộc đời hoạt động cách mạng của má Sáu đã trở thành một biểu tượng vinh quang của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là một hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Phía sau những hào quang chiến thắng là sự mất mát hy sinh lớn lao của người dân Việt Nam. Không có nơi đâu như ở Việt Nam mình, từ Nam chí Bắc, từ huyện đến tỉnh, thậm chí là cấp xã đều có nghĩa trang liệt sĩ, ghi công thế hệ cha ông đã nằm xuống cho Tổ quốc tươi đẹp như hôm nay. r

Căn cứ vào bản đồ của ông Tư Ca, má Sáu đã “tham mưu” cho Trung đoàn 27 những nội dung cực kỳ quan trọng như sau:

Bộ đội cần nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, bởi đây là hướng tấn công vào Sài Gòn thuận lợi nhất, không cần đánh địch ở căn cứ Huỳnh Văn Lương ở Lái Thiêu, vì địch ở đây đã bạc nhược sẽ đầu hàng.

Không được hành quân qua cầu sắt Lái Thiêu vì đường hẹp, phía bên cầu có nhiều bãi mìn và địch phục kích .

Nhanh chóng đánh chiếm bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy ở Gò Vấp, bởi lực lượng ở đây là chỗ dựa duy nhất cho bộ binh địch, không cho chúng có khả năng phản công lại .

Đánh vào trung tâm truyền tin địch ở Gò Vấp, làm tê liệt hoạt động thông tin của chúng

Nhanh chóng chiếm lục quân công xưởng ngụy, là nơi sửa chữa vũ khí, khí tài của địch .

Chiếm lấy Tổng y viện cộng hòa để làm nơi cứu chữa thương bệnh binh cho quân giải phóng

 KIẾN GIANG 

Chia sẻ bài viết
Tags
giờ G

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên