Máy phun thuốc trừ sâu “made in Hai lúa”

Cập nhật: 05-08-2011 | 00:00:00

Trước tình hình bệnh nấm Corynespora bùng phát mạnh mẽ trong thời gian qua, một số nông dân trên địa bàn tỉnh đã chế tạo ra các loại máy phun thuốc trừ loại nấm này. Tuy ở mức độ khác nhau song sự ứng dụng sáng tạo ra các loại máy này cũng đã góp phần làm giảm công sức lao động nhưng tăng thêm hiệu quả của việc phun thuốc.

  Máy phun thuốc trên cây cao su của anh Nguyễn Việt Cường (Phú Giáo)

Từ các sáng kiến thô sơ

Bệnh trên cây cao su do nấm Corynespora xuất hiện thời gian qua đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho nhiều người trồng cao su. Trong tình thế thụ động do dịch bệnh bùng phát nhanh, nhiều nông dân đã tự tìm mua thuốc về phun xịt theo cách riêng của mình. Do bệnh xuất hiện trên lá cao su nên các bình phun xịt thuốc thông thường không thể phun tới được. Nhiều chủ vườn đã tìm cách cải tiến, chế tạo ra các loại bình phun xịt, máy phun xịt khác nhau nhằm ngăn không cho loại nấm này phát tán mạnh.

Với các vườn cây có độ tuổi ít, tán lá thấp nhiều người đã dùng bình phun đeo vai thường dùng trong phun xịt cỏ để phun xịt. Các loại bình bơm đeo vai này có dung tích từ 12 - 16 lít/bình, ống dẫn thuốc của bình được nối dài và được kẹp với cây tre, tầm vông dài từ 3 - 4m để phun. Loại bình phun này cho năng suất phun thuốc rất thấp do chỉ áp dụng cho một số vườn cây có diện tích nhỏ, thuốc không được phun đều, độ phun cao không quá 8m, không liên tục, tiêu hao nhiều thuốc, tiêu tốn nhiều sức lao động của người phun và không an toàn cho người lao động do thuốc rơi vào mặt, vào mắt khi ngẩng mặt lên để điều khiển cần phun.

Một thiết bị phun khác tiên tiến hơn bình phun đeo vai đó là máy kéo kết hợp máy bơm. Một số nông dân tại huyện Phú Giáo đã chế tạo ra loại máy này. Trong đó người đi tiên phong là anh Nguyễn Việt Cường, ngụ tại ấp Lễ Trang, xã Vĩnh Hòa. Anh Cường cho biết, để có thể đáp ứng được nhu cầu phun thuốc phòng trừ bệnh trên cây cao su của nhiều chủ vườn trên địa bàn huyện anh đã chế tạo ra loại máy này và trong thời gian đầu cũng đã có nhiều đơn đặt hàng của nhiều chủ vườn tại các địa phương khác nhau. Loại máy này gồm có 1 bơm cao áp, bình đựng thuốc 500 lít - 2 bộ phận này được đặt trên 1 rơ-moóc gắn vào máy kéo. Máy bơm cao áp được gắn với một thiết bị tăng công suất và áp lực bơm nước để thuốc có thể được phun mạnh hơn. Vòi phun gồm có 2 cái được gắn với dây phun dài 5 - 6m và được gắn chặt với 2 cây tre nhỏ dài 4 - 4,5m. Khi phun thuốc, 2 người ngồi trên rơ-moóc sẽ cầm 2 cây tre để phun thuốc, cây tre được di chuyển theo chiều ngang đứng. Với loại bình phun 500 lít có thể phun xịt cho 0,5 ha cao su. Độ phun cao của loại thiết bị này không quá 12m. Nhược điểm của thiết bị này là độ cao phun chưa cao, chưa phủ hết lên tàng cây cao su, các đầu phun cho ra thuốc không đều liên tục, thường là ra giọt nước nhiều nên thường hao thuốc. Mặt khác thiết bị này cũng không an toàn, rất dễ gây tai nạn do phải ngồi trên rơ-moóc do phải ngồi quay lưng với người lái nên không thể quan sát hướng đi, bên cạnh đó là họ không được trang bị các đai đeo.

Đến thiết bị tự động

Để có thể tự phun thuốc hiệu quả cho vườn cao su bị nhiễm bệnh của mình, ông Nguyễn Văn Long ở ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát đã chế tạo ra máy phun thuốc phòng trừ bệnh nấm cao su tự động. Chiếc máy phun ông chế tạo đầu tiên không được như ý muốn do sào dài dễ bị vướng vào cành cây, béc phun lỗ to thì hao phí thuốc nhiều còn béc phun mịn thì thuốc không phun được xa và dễ rơi xuống đầu khi phun. Sau một thời gian suy nghĩ ông đã cải tạo lại máy phun đạt hiệu quả cao hơn theo ý muốn.

Chiếc máy phun do ông cải tạo lại gồm 1 chiếc quạt cao tốc 12 cánh, đường kính 0,8m đặt trong một ống tròn độ dày 0,15m; đầu ra chiếc quạt gắn với một đoạn ống nhựa loại 114mm dùng làm ống gia tốc rất cơ động khi di chuyển, khoảng giữa ống ông khoét 2 lỗ để nhét ống nhựa dẻo vào trong lòng ống. 2 béc phun được gắn thấp hơn miệng ống 10cm. Ngoài ra, còn có một máy nén 2 ngựa, bồn chứa nước 500 lít và chiếc rơ-moóc máy cày 20 mã lực. Chiếc máy cải tạo loại này ưu việt hơn máy trước vì có đến 2 béc phun nhưng chỉ cần một người vận hành so với loại máy trước của ông thì giảm bớt được 1 nhân công. Máy có thể phun tới độ cao 13m. Với loại máy này, thuốc được phun cao hơn, mịn đều hơn, tầm phun của máy rộng, hiệu suất sử dụng tăng lên nhiều lần. Ông Long cho biết, loại máy này đã khống chế được bệnh trên vườn cây nhà ông và hiện nay các diện tích vườn cây này đã đưa vào khai thác bình thường.

Thời gian qua các loại máy được nông dân chế tạo này đã góp phần hạn chế sự lây lan bệnh do nấm Corynespora gây ra trên cây cao su và giảm thiệt hại cho người nông dân. Tuy nhiên đây chỉ là những chiếc máy thô sơ cần được nghiên cứu và cải tiến để đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó song song với việc sử dụng các máy phun thuốc thì việc pha chế, kết hợp các loại thuốc đúng liều lượng, hợp lý cũng rất cần thiết để có thể đạt hiệu quả phòng, trị bệnh cao nhất.

Đà Bình

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên