Mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc

Cập nhật: 15-01-2015 | 08:08:07

Mẹ Lê Thị Bê và Nguyễn Thị Nhuẩn vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, là những tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo về phẩm chất trung hậu, đảm đang, hết mình vì chồng, con và sự nghiệp cách mạng. Thật cảm phục trước ý chí và sự hy sinh vô bờ mà các mẹ đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước…

 Cả đời vì chồng, con và cách mạng

 Chúng tôi đến thăm mẹ Lê Thị Bê (ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) khi ánh nắng chiều đầu xuân đã bắt đầu trải vàng trên từng tán lá cao su. Đã 82 tuổi (SN 1933), nhưng mẹ vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Với giọng nói trầm ầm, mẹ kể lại: “Tôi lập gia đình với ông nhà là Châu Văn Chèo (SN 1926) năm 17 tuổi, có với nhau 2 con trai, 3 con gái, nhưng tính tổng thời gian gần nhau từ khi cưới cho đến ngày ông hy sinh vào năm 1970, vợ chồng tôi bên nhau có được bao nhiêu năm tháng đâu? Ngoài lúc tham gia lực lượng cách mạng ở huyện, ông nhà còn thỉnh thoảng về thăm gia đình, chứ khi trở thành tiểu đoàn trưởng trên R thì ông ấy đi suốt cùng hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, những lần công đồn, hành quân. Tôi nhớ từ dạo đó hình như ông chỉ hai lần về thăm nhà, một lần hội ngộ ngắn ngủi mới vài chục phút cùng các con đã vội chia tay vì giặc kéo đến, lần sau thì ông đã vĩnh viễn nằm lại trên đất quê hương”.

Nghe đến đây, chị Châu Thị Nga, con gái của mẹ tiếp lời mà nước mắt lưng tròng: “Tôi nhớ đó là vào khoảng năm 1967, lúc đó tôi cũng tham gia cách mạng ở địa phương, nghe tin ba vừa về thăm gia đình nên vội vã về gặp. Về đến nhà, cha con gặp nhau trong chưa đầy 15 phút, chỉ biết ôm nhau mà khóc cho thỏa nỗi nhớ mong xa cách bao ngày mới được gặp, chứ có nói được gì đâu”. Mẹ Bê tiếp lời: “Nghe ông về thăm nhà, tôi chạy mua món ăn mà ông thích là bánh mì, nấu cơm còn chưa kịp ăn thì lính đã bao vây ở đầu ngõ, phải nhanh chóng theo giao liên thoát vòng vây của giặc muốn tới bắt sống con cọp miền Đông là tiểu đoàn trưởng Hai Lập”.

Với giọng xúc động, chị Nga nói tiếp: “Phải ba năm sau ba tôi mới lại được về thăm nhà nhân đợt hành quân gần đó ghé ngang. Lần ấy ba tôi về gần đến nhà, gặp các đồng chí của mình thì bị địch phát hiện, phải cùng chui xuống hầm cũ ở gần cầu Xe Ngựa, bờ suối Vĩnh Tân. Địch bao vây xung quanh, kêu gọi đầu hàng, nhưng ba tôi và 3 đồng chí khác, trong đó có em ruột ba tôi là chú Châu Văn Sừng, ông Mai Văn Ngờ (Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành) vẫn kiên quyết thà chết không chịu rơi vào tay giặc. Bọn lính không dám xông xuống khui hầm bắt sống mà phục kích chờ sẵn. Chờ mãi vẫn không thấy chúng rút đi, ba tôi mới bung nắp hầm xông lên thì bị chúng vừa bắn vừa ném lựu đạn vào hầm làm chết cả 4 người. Sau đó, giặc kéo xác về Hòa Lợi, Bến Cát, qua ngày hôm sau cơ sở mới lấy được, đem về chôn cất”.

Chị Nga kể tiếp: “4 năm sau, mẹ tôi tiếp tục mất đi đứa con trai yêu quý là anh Châu Văn Nải (SN 1953). Anh Nải thoát ly gia đình, đi du kích từ năm 16 tuổi, rồi sau đó về công tác tại huyện Châu Thành, làm tiểu đội trưởng. Tôi còn nhớ bữa chiều hôm đó là vào tháng 10-1974, anh Nải gặp tôi trước lúc lên đường đi công tác ở khu vực Bông Trang, Nhà Đỏ. Tôi tặng cho anh chiếc radio mới mua. Đó cũng là lần gặp nhau cuối cùng của 2 anh em. Từ Bông Trang về, khi đến khu vực Cua Paris thì lọt vào ổ phục kích của giặc, người bảo vệ đi cùng anh bỏ chạy. Anh Nải bị mìn nổ cụt chân nhưng vẫn bắn trả quyết liệt. Địch kéo đến đông hơn, đến 6 giờ sáng hôm sau thì anh Nải bắn hết đạn của hai cây AK, AR15 và cũng trúng đạn của địch. Cây M79 chỉ còn 1 viên, anh Nải liền quay ngược chỉa vào dưới cằm tự kết liễu mình để kiên quyết không rơi vào tay giặc”.

Chị Bồ Thị Thanh Tuyền, cán bộ VHXH-TBXH xã Vĩnh Tân, cho biết: “Theo lời các chú, các bác thì sau khi chồng con hy sinh, mẹ - có biệt danh Hai Trầu vẫn tiếp tục gánh gạo, tiếp tế thuốc men cho cách mạng, các đồng đội của con trai, con gái ở căn cứ Vườn Cám (ấp 1). Ngoài ra, mẹ còn làm cơ sở móc nối cho các gia đình, mẹ chiến sĩ vào thăm bộ đội ở căn cứ cho đến ngày đất nước giải phóng. Hiện mẹ vẫn ở vậy thờ chồng, con, sống cùng con gái, con dâu và cháu nội, tiếp tục là tấm gương sáng để thế hệ tụi em học tập”.

 Tấm gương sáng cho con cháu noi theo

 Chúng tôi đến thăm gia đình mẹ Nguyễn Thị Nhuẩn tại căn nhà nhỏ ở khu phố Tân Hiệp, phường Tân Bình, TX.Dĩ An. Tuy mẹ không còn nữa, nhưng vẫn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Với ánh mắt còn đượm buồn, bà Lê Thị Hòa, con gái mẹ, kể cho chúng tôi nghe về mẹ và 2 liệt sĩ của gia đình. Người con gái đầu của mẹ là chị Lê Thị Nhỏ (SN 1943), rất hăng hái tham gia cách mạng và là cán bộ phụ nữ mật. Năm 1968, chị hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ ở chiến khu Đ. Tiếp đến là chị Lê Thị Hưng (SN 1950) cũng sớm thoát ly đi theo tiếng gọi của Tổ quốc khi chưa đầy 17 tuổi. Năm 1971, chị hy sinh cùng đồng đội trong một vụ nổ tại căn cứ. Đến giờ, ký ức về những người chị, người em đã hy sinh - hiếu thảo với gia đình, anh dũng trong chiến đấu, tháo vát chuyện đồng áng vẫn vẹn nguyên trong mắt anh chị em trong nhà.

Nỗi đau tiếp nối nỗi đau nhưng không hề khiến mẹ ngã quỵ. Biến nỗi đau thành động lực, mẹ càng mạnh mẽ, kiên cường hơn. Bà Hòa khóc khi nói về mẹ: “Mẹ lúc đó không có thời gian để buồn, để khổ vì còn phải nuôi 6 anh em chúng tôi. Vượt lên trên nỗi uất hận, mẹ xốc dậy, tiếp tục cùng chồng trồng lúa làm thuê để dành tiền mua thóc gạo nuôi cách mạng. Thư từ mẹ thường may vào lai quần, quấn trong búi tóc, còn thực phẩm tiếp tế thì hay giấu dưới gánh phân trâu bò để không bị lộ. Vì sợ có thêm mất mát hy sinh, mẹ luôn cẩn trọng, từng bước bảo đảm không để cán bộ cách mạng thiếu ăn, hay để cho địch lấy được tin tức. Mẹ còn dạy mọi người trong nhà thuộc lòng những ám hiệu, để kịp báo cho nhau khi giặc đi tuần ngang, hoặc cảm nhận nguy hiểm đến gần. Mẹ luôn mong mỏi từng ngày hòa bình, độc lập sẽ đến, sẽ không còn mất mát hy sinh nữa”.

Mẹ cùng chồng đã sống, cống hiến hết cả tuổi thanh xuân cho cách mạng. Những năm tháng ác liệt, vào sinh ra tử càng làm tình cảm gia đình thêm gắn bó. “Anh chị em trong nhà ai cũng học theo cách làm của mẹ để tiếp tế lương thực thuốc men, làm thông tin liên lạc cho cách mạng”, bà Hòa chia sẻ. Ước mong lớn nhất của mẹ cũng đã trở thành hiện thực khi con cháu đều lớn khôn, thành đạt. Trước khi mất, mẹ vui mừng khi hàng ngày được ở bên con, cháu thành đạt, trong gia đình hạnh phúc. Mẹ còn nhận sự quan tâm, đền đáp công ơn từ chính quyền địa phương, thế hệ trẻ. Vào những dịp lễ, tết, tri ân những người có công, ngoài những phần quà của tỉnh, thị xã, UBND phường Tân Bình cũng đã vận động nhà hảo tâm, đoàn viên thanh niên trong xã đến thăm, tặng quà và tâm sự với mẹ. Đây là những phần quà hết sức có ý nghĩa động viên mẹ sống vui, khỏe trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời.

Bà Nguyễn Kim Duyên, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An cho biết: Đầu năm 2015, TX.Dĩ An có thêm 2 mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nâng tổng số mẹ Việt Nam anh hùng còn sống lên 7 mẹ. Với mẹ Nguyễn Thị Nhuẩn, trước đó, Phòng LĐ-TB&XH và các đoàn thể trong thị xã đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa và chế độ bảo hiểm cho mẹ. Trong thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH cùng các ban ngành, đoàn thể thị xã tiếp tục quan tâm và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định cho gia đình mẹ.

Chúng tôi rời nhà mẹ Nguyễn Thị Nhuẩn khi con gái mẹ, bà Lê Thị Hòa kết thúc câu chuyện về gia đình. Dù mẹ đã đi xa nhưng mẹ luôn là tấm gương sáng để con cháu trong nhà học tập. Qua đó, sẽ tiếp bước phát huy truyền thống cách mạng của gia đình mà mẹ cùng các chị đã dày công vun đắp.

 CHÍ THANH - ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên