Mẹ là niềm tự hào

Cập nhật: 28-08-2014 | 10:03:35

“Chúng tôi tự hào khi sinh ra trong gia đình cách mạng. Hình ảnh mẹ chịu thương, chịu khó nuôi con, cung cấp lương thực cho cách mạng, chúng tôi không bao giờ quên”, bà Trần Thị Nhàn (SN 1950), con gái mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Nhành tâm sự.

Mẹ Nhành (phải) cùng con gái xem lại di ảnh của chồng - liệt sĩ Trần Văn Thăng

Những năm tháng kháng chiến đã qua, giờ mẹ trở về với cuộc sống đời thường bên cạnh con cháu tại khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát. Trong căn nhà nhỏ, bên chiếc giường cũ, mẹ ngồi đó với đôi mắt nhìn xa xăm. Người phụ nữ nhanh nhẹn, mưu trí ngày nào giờ đã ở tuổi 94. Mắt mẹ sáng lên mỗi khi có ai đó hỏi về chồng, con. Mặc dù không thoát ly tham gia kháng chiến nhưng gia đình mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho du kích. Rồi mẹ làm liên lạc nắm tình hình địch để bảo vệ chiến sĩ. Những năm tháng chiến tranh ác liệt (1968-1975), một số người dân trong ấp 3 (nay là khu phố 3) tản cư khỏi các vùng giải phóng để tránh bom đạn của địch. Lúc này, mẹ động viên gia đình nội, ngoại, họ hàng không bỏ quê hương. Khu mẹ ở còn chưa đầy 10 nhà nhưng dù khó khăn, nguy hiểm cận kề vẫn quyết bảo vệ những hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ.

Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phường Tân Định Nguyễn Văn Dũng cho biết, đối với các gia đình chính sách mỗi dịp lễ tết, xã thường tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà. Đối với mẹ Việt Nam anh hùng, trong thời gian tới xã sẽ vận động các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời, từ đó giúp mẹ có thêm niềm vui tuổi già.

Dẫu biết rằng chiến tranh là mất mát nhưng nối tiếp truyền thống anh hùng, mẹ âm thầm làm hậu phương vững chắc cho chồng, tiễn con mình lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Năm 1969, người con trai mẹ - liệt sĩ (LS) Trần Tử Long (SN 1949, tên thường gọi Phước) tham gia du kích xã Tân Định. Một lần đưa đoàn cán bộ Châu Thành đi công tác, trong lúc quay lại lấp dấu vết, ông bị trúng đạn của địch tại bót Cầu Định hy sinh. Sau đó, chúng kéo xác ông ra phơi nắng để đe dọa dân. Chúng bắt dân đào hố chôn. Nhận được tin báo mẹ vẫn cố gắng bình thản để đánh lừa sự tình nghi của địch. Nỗi đau chưa nguôi, 4 năm sau, chồng mẹ - ông Trần Văn Thăng (SN 1920) cũng hy sinh. Theo lời kể của mẹ, chồng mẹ sinh ra trong gia đình cơ sở cách mạng. Năm 19 tuổi, ông đã tham gia lực lượng vũ trang của xã, vừa là du kích mật, vừa là du kích vũ trang. Khi lập gia đình, ông vẫn tiếp tục hoạt động mật. Năm 1973, trong lúc cắm cờ giành đất với địch, ông bị trúng mìn đứt 2 chân, đạn trúng tim. Ông được gia đình đưa về làm đám và chôn cất tại gò mả Tân Định.

Chồng, con hy sinh, mẹ khóc hết nước mắt nhưng rồi cũng phải động viên mình “chiến tranh là phải hy sinh, sống chết là chuyện thường nhưng hy sinh vì độc lập của dân tộc là vinh quang”. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng cũng chính nỗi đau ấy đã được mẹ biến thành niềm tin, thành sức mạnh. Mẹ lại tiếp tục gạt nước mắt làm mọi việc để hỗ trợ bộ đội. Bên mái nhà xưa, bên kỷ niệm về hình ảnh thân thương của các con, nỗi nhớ quá khứ cứ hiện về rõ mồn một mỗi khi mẹ nhìn lên bàn thờ hay những khi vô tình mẹ nghe nhắc đến. Bà Trần Thị Nhàn tâm sự: “Trước đây, mỗi chiều mẹ hay chống gậy ra gò mả thăm chồng, con. Giờ tuổi mẹ đã cao, trí nhớ cũng không còn minh mẫn, những câu chuyện mẹ kể với chúng tôi giờ cũng không đầu, không cuối nhưng với mẹ đó vẫn là kỷ niệm, là niềm tin, niềm tự hào”.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên