Miền Trung gồng mình chống lũ lớn

Cập nhật: 18-10-2011 | 00:00:00

Đến chiều tối 17-10, lũ trên địa bàn các tỉnh miền Trung tiếp tục dâng cao, hàng chục ngàn nhà dân bị nhấn chìm trong nước. Lũ lớn đã làm cho giao thông nhiều nơi bị chia cắt. Đặc biệt, 2 tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ngưng trệ giao thông.

Di chuyển khốn khổ

Sáng 17-10, tuyến quốc lộ 1A đoạn qua huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được thông tuyến. Riêng đoạn qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngập nặng, phương tiện chưa thể qua lại.

  Cháu Trần Thế Huy (ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) thoát khỏi vách nhà chờ đưa đi chạy lũ. Cảnh sát giao thông 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình đã bố trí lực lượng hướng dẫn phương tiện đi vòng lên đường Hồ Chí Minh ra Bắc. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Đakrông đi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) bị sạt lở nặng tại nhiều điểm, chưa thể thông được tuyến.

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, do mưa lũ làm ngập lụt 2 đoạn đường sắt là Đông Hà vào thị xã Quảng Trị và đoạn Mỹ Chánh - Phò Trạch nên 5 đoàn tàu với gần 2.000 hành khách đang mắc kẹt tại các ga ở Quảng Trị.

Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang xuống chậm, một số nơi trên báo động 3 (sông Kiến Giang, Quảng Bình).

Trong khi đó, lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đang lên nhanh và khả năng lên mức báo động 3, trên báo động 3 vào sáng 18-10.

Các ga có tàu dừng đỗ là ga Đông Hà, Hà Thanh, Thiên An và Quảng Trị có các tàu bị kẹt lại là tàu SE7, TN1, SE5, SE1 và DH1 với tổng số 2.035 hành khách. Hiện các tàu bị kẹt lại đã chuẩn bị điều kiện tốt cho hành khách ở lại.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng tàu TN1 cho biết: Tàu đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm đầy đủ để phục vụ các yêu cầu của hành khách. Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị điều kiện tốt cho hành khách. Tỉnh Quảng Trị cũng chỉ đạo kiên quyết không để tình trạng ép giá đối với hành khách; xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng lũ lụt để tăng giá.

  Thanh niên xung kích xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành, Quảng Nam) dùng dây lần lượt cứu 3 nạn nhân bị lũ cuốn trên sông Rai. Đến 20 giờ ngày 17-10, sự cố sạt lở trên tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân được khắc phục, tàu SE8 và tàu TN2 với hơn 800 hành khách mắc kẹt tại ga Kim Liên và ga Đà Nẵng (từ 16-10) đã khởi hành đến ga Huế. Trước đó, 15 giờ 30 tuyến chạy tàu qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông hoàn toàn. Hai đoàn tàu SE2, SE4 với tổng số 491 hành khách, bị kẹt tại ga Huế đã đi ra Bắc.

Cứu sống 3 người bị lũ cuốn trong đêm

Đến 10 giờ sáng ngày 17-10, tại khu vực cầu Ông Sẵn, thôn 6, xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), Đội xung kích phòng chống lụt bão xã và bà con địa phương dùng dây thừng trèo lên cao rồi đu người lao vào dòng nước lũ mới kịp thời cứu sống 3 người bị lũ cuốn trôi đêm qua từ thượng nguồn sông Rai xuống. Đó là Nguyễn Văn Lòng, Châu Ngọc Hảo và Trần Sắc bị nước lũ cuốn trôi từ 4 giờ sáng và níu được vào các bụi cây trên sông, chống chịu trong hơn 6 giờ đồng hồ giữa nước lũ, chịu lạnh và đói.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đã làm 3 người chết và mất tích, gần 14.000 nhà dân bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập tới 2m. Đêm 16 rạng ngày 17-10, 300 cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội với 20 ca nô cùng chính quyền các địa phương đã sơ tán gần 1.000 hộ dân với 5.000 người vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Cũng vào thời điểm trên, 30 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cam Lộ đã ứng cứu kịp thời 70 người dân bị mắc lũ ở xã Cam Tuyền. Các xã Ba Lòng, Hải Phúc và một số thôn bản trên địa bàn huyện Đakrông vẫn còn bị nước lũ chia cắt. Lực lượng cứu hộ cứu nạn huyện và tỉnh đã sử dụng ca nô đến cấp phát mì tôm, nước đóng chai cho bà con ở đây.

Tại Thừa Thiên - Huế, chiều 17-10, bà Nguyễn Thị Dung, 40 tuổi (trú tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền) bị chết do lật ghe. Toàn tỉnh có 10.141 nhà bị ngập, trong đó huyện Phong Điền: 1.240 nhà, Hương Trà: 850 nhà, Quảng Điền: 3.425 nhà; thành phố Huế 2.820 nhà; thị xã Hương Thủy 1.806 nhà.

Thủy điện, hồ chứa xả lũ, lũ thêm nặng

Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên - Huế) buộc phải xả nước sáng 16-10 và vận hành mở 2 cửa van khiến lưu lượng nước về hạ du là 726m³/giây. Tuyến bờ kè dọc sông Bồ thuộc thôn Phò Ninh (xã Phong An, huyện Phong Điền) bị sạt lở dài gần 20m, ăn sâu vào nhiều hộ dân. Tại trung tâm TP Huế, nhiều vùng dân cư ven sông, ven đầm phá bị ngập gần 1m, người dân phải chèo thuyền đi lại. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời hơn 1.000 người dân ở các vùng thấp trũng.

Vào lúc 17 giờ ngày 17-10, hồ Thủy điện A Vương (huyện Đông Giang, Quảng Nam) cũng chính thức mở van xả lũ với lưu lượng 100m³/giây. Hiện lũ trên sông Vu Gia vượt trên báo động 2, nhiều vùng dân cư các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Đồng (huyện Đại Lộc) đang bị nước ngập; đêm 17-10 chưa biết mức chìm ngập đến đâu khi Thủy điện A Vương xả lũ. Nước lũ ở sông Thu Bồn cũng đang kéo về gây ngập lụt, chia cắt giao thông các huyện Nông Sơn, Duy Xuyên.

Ngày 17-10, tại huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) nước lũ lên nhanh làm nhiều người không kịp trở tay. Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Đức Tân ngập hơn 0,5m gây ách tắc giao thông. Đường liên huyện Đồng Cát - Suối Bùn ngập trên 1m, giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Nguyên nhân khiến mực nước lên nhanh là do nước từ thượng nguồn các hồ đập như Mạch Điểu, Hóc Mít, Hóc Sầm trên địa bàn đang thi công, đập tràn mở nên đã làm cho lưu lượng nước về nhanh.

Huyện Mộ Đức huy động lực lượng, đưa phương tiện ca nô lên cứu hộ số học sinh bị mắc kẹt, di dời những hộ dân nằm ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Trên đèo Thọ An (xã Bình An, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hàng chục khối đất đá ập xuống đèo, chia cắt hoàn toàn 300 hộ đồng bào Hre.

Sáng 17-10, em Nguyễn Văn Quang (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cùng 4 bạn học cùng trường ra bờ kênh khu vực đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chơi. Bất ngờ Quang và em Hồ Quyền bị ngã xuống dòng nước. Nhưng may mắn em Quyền được một người dân sống gần đó cứu kịp thời, còn Quang bị nước cuốn trôi chưa tìm được thi thể.

Cùng ngày, nước từ hồ Hòa Trung (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tràn về nhấn chìm xã Hòa Liên. Một người dân thôn Quan Nam 3, cho biết: “Mới mưa có một đêm mà nước ngập hết trơn, dân không có đường chạy. Dự án Golden Hills đổ đất vây quanh làng khiến nước không rút kịp ra sông Cu Đê nên gây ngập lụt cục bộ chứ có phải lũ đâu?”.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên