Mô hình “chính quyền, công sở thân thiện”: Vì nhân dân phục vụ

Cập nhật: 22-10-2015 | 08:47:04

Trong giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng bộ máy chính quyền các cấp năng động, vì nhân dân phục vụ và nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong nhiều cách làm hay về xây dựng chính quyền các cấp, mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” được xem là bước đột phá cần thiết trong công tác cải cách hành chính (CCHC) hiện nay.

 Hiệu quả từ bước đầu triển khai

Tháng 10-2014, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Nội vụ kết hợp với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố triển khai thí điểm mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” tại 5 đơn vị, địa phương gồm: UBND xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), UBND phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), Phòng Quản lý Đô thị TX.Thuận An, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Bến Cát và Kho bạc Nhà nước huyện Dầu Tiếng. Sau những thành công ban đầu từ mô hình, đến tháng 4-2015, UBND tỉnh tiếp tục ban hành chỉ đạo việc mở rộng thí điểm xây dựng “Chính quyền, công sở thân thiện”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 đơn vị, địa phương thực hiện thí điểm mô hình này, trong đó có 17 UBND cấp xã, 11 phòng, ban chuyên môn cấp huyện, 6 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Từ khi triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, CBCC phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một tiếp dân niềm nở hơn. Ảnh: H.VĂN

Điểm nhấn đặc biệt của mô hình là các đơn vị, địa phương được chọn thí điểm xây dựng mô hình đã xây dựng các bảng biểu công khai quy trình, thủ tục CCHC, cách thức giải quyết công việc liên quan đến người dân, thực hiện công khai chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức (CBCC) trực tiếp xử lý công việc. Trong quá trình thực hiện mô hình, các đơn vị, địa phương đã chú ý xây dựng phong trào “Nụ cười công sở”, các quy định về văn minh, văn hóa công sở, có thái độ làm việc tôn trọng, phong cách làm việc dân chủ, gần gũi, nhẹ nhàng, lịch sự khi tiếp xúc, giao tiếp; đồng thời xây dựng mẫu “Thư xin lỗi” đối với tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không đúng hẹn, không giải quyết kịp thời công việc hành chính của người dân, tổ chức; xây dựng mẫu “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”, “Thư chia buồn” đối với tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc có liên quan.

Tại UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tính đến nay, hơn 200 hộ dân đã nhận được thư chúc mừng, thư chia buồn kể từ khi chính quyền địa phương áp dụng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”. Tương tự, UBND xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên cũng đã thực hiện trên 400 mẫu thư các loại, trong đó đã thực hiện 285 thư chúc mừng cho các gia đình có thành viên mới, 90 thư chúc mừng trăm năm hạnh phúc đối với trường hợp kết hôn, 42 thư chia buồn và nhiều thư cảm ơn các doanh nghiệp đã đóng góp xây dựng địa phương, đóng góp cho Quỹ vì người nghèo…

Chuyển biến tích cực từ cơ sở

Rất nhiều người dân, doanh nghiệp đã đánh giá cao mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” đang được tỉnh triển khai. Chị Hồ Ngọc Trinh, người dân ở khu phố 14, phường Phú Cường hồ hởi cho biết, chị vừa nhận được giấy khai sinh cho con và còn được nhận kèm theo một thư chức mừng khi gia đình có thêm cậu con trai. Chị Trinh chia sẻ, giống như lần đi làm giấy khai sinh cho đứa con trước, gia đình vẫn đi làm giấy khai sinh bình thường. Nhưng lần này, chị thật bất ngờ vì sau khi nhận được giấy khai sinh, UBND phường còn có thư chúc mừng. Nói về điều này, bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường Phú Cường cho biết, việc người dân có niềm vui khi nhận thư chúc mừng cũng là niềm vui chung của CBCC. Thông qua thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, CBCC của phường đã giải quyết TTHC nhanh, gọn trên tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với người dân”.

Ông Lê Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, sau thời gian triển khai thực hiện thí điểm mô hình, đến nay, UBND xã Bình Mỹ đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của CBCC, sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của CBCC trên cơ sở quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác chính quyền trong tình hình mới, phong cách, thái độ phục vụ nhân dân gần gũi, nhẹ nhàng, vui vẻ, thân thiện với nhân dân hơn. “Về phía người dân như đã có thêm một sợi dây gắn kết với chính quyền, khi bước vào trụ sở UBND đều có một tâm lý thoải mái, gần gũi chứ không xa cách, hình thức. Người dân cũng tích cực hơn khi tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền. Từ đó góp phần từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền thân thiện”, ông Quang cho hay.

Qua thực tiễn triển khai thí điểm ở các đơn vị, địa phương, Sở Nội vụ ghi nhận được thái độ làm việc nghiêm túc, cầu thị và kịp thời chỉ đạo để chấn chỉnh, sửa đổi những hạn chế của từng đơn vị, địa phương. Các đơn vị, địa phương đã tích cực thay đổi, bố trí lại nơi làm việc của bộ phận một cửa, nơi tiếp công dân sạch đẹp, thông thoáng. Từ đó, đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao trong việc thay đổi cách thức phục vụ nhân dân như công khai chức năng, nhiệm vụ của CBCC; công khai số điện thoại của lãnh đạo để nhân dân thực hiện chức năng giám sát... Tất cả những việc làm này tuy mới thực hiện thí điểm nhưng đã thể hiện được quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cùng đội ngũ CBCC các cấp trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ nhận định, từ thực tiễn cho thấy, mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” đã đi vào thực chất và đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cơ quan Nhà nước, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). “Việc xây dựng mô hình này thực chất là sự gắn kết hệ thống và làm nền tảng cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động chính quyền, cơ quan Nhà nước, trong đó tập trung thực hiện công tác cải cách TTHC, quy chế dân chủ, văn hóa công sở, quy tắc ứng xử... Qua thực hiện, mô hình đã góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân, vì dân, xây dựng đội ngũ CBCC Nhà nước thực sự là công bộc của dân”, ông Mai Sơn Dũng cho biết.

 Trong quá trình triển khai mô hình, các đơn vị, địa phương đã chú ý xây dựng nội dung “5 biết”: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn; “3 thể hiện”: Tôn trọng (sự tôn trọng trong quan hệ giao tiếp), văn minh (bao hàm cả ý nghĩa lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc), gần gũi (giải quyết công việc nhanh, không quan cách, khó chịu). Từ tháng 3 đến tháng 11-2015, các đơn vị, địa phương tổ chức lấy ý kiến người dân, tổ chức có liên quan đến công tác thực hiện các TTHC nhằm đánh giá tinh thần thái độ, phong cách phục vụ của CBCC. Cuối tháng 12-2015, các đơn vị, địa phương sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm các mặt đã làm được, chưa làm được để tiếp tục phát huy, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, xây dựng được hình ảnh chính quyền thân thiện trong mắt của người dân.

 

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên