Mô hình kinh tế sạch tại huyện Phú Giáo: Hiệu quả từ 30.000 đồng 

Cập nhật: 06-07-2015 | 09:34:13

Thời gian qua, kinh tế của xã An Long, huyện Phú Giáo chủ yếu dựa vào cây cao su. Mấy năm gần đây, mủ cao su rớt giá liên tục khiến đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, mô hình làm kinh tế sạch trồng rau màu của Hội LHPN xã được thí điểm từ năm 2012 bước đầu đã cho kết quả tốt.

 

 Chị em phụ nữ xã An Long cùng tăng gia sản xuất với mô hình kinh tế sạch Ảnh: P.HIẾU

 

Chủ động tạo nguồn thực phẩm xanh

Nhớ lại những ngày đầu triển khai mô hình làm kinh tế xanh, bà Nguyễn Thị Ánh Khoa, Chủ tịch Hội LHPN xã An Long chia sẻ, với đặc thù địa phương thuần nông, bà con nông dân dựa vào cây cao su để phát triển kinh tế. Khi mủ cao su rớt giá người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hội phụ nữ xã rất băn khoăn, làm sao để đời sống bà con được cải thiện. Với tình hình quỹ đất dành cho cây cao su chiếm gần hết diện tích tự nhiên của xã, làm gì với quỹ đất ít ỏi còn lại là bài toán khó cho lãnh đạo cũng như Hội LHPN xã An Long.

Sau thời gian tìm hiểu, tính toán, Hội LHPN xã An Long đã chọn những vùng trồng cây cao su mới để tăng gia sản xuất. Bà Khoa nói, việc vận động chị em phụ nữ xã cùng tham gia mô hình kinh tế sạch ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, vì ít người tin tưởng kết quả khả quan sau này. Hội LHPN xã đã đến từng nhà thuyết phục từng chị em phụ nữ có diện tích trồng cây cao su mới tận dụng quỹ đất ít ỏi này để trồng xen canh hoa màu.

Được giải thích cặn kẽ những lợi ích mà mô hình kinh tế sạch mang lại, nhiều chị em đã nhiệt tình cho Hội LHPN xã “mượn đất” để tăng gia sản xuất. Có được đất trồng rau màu, hội một lần nữa thuyết phục chị em góp quỹ mua cây giống. Biết đời sống của chị em còn nhiều hạn chế nên hội chỉ kêu gọi mỗi hội viên góp 30.000 đồng làm vốn ban đầu để mua cây giống, phân bón… chuẩn bị cho vụ mùa đầu tiên.

Ban đầu, Hội LHPN xã triển khai trồng rau với mục đích cung cấp thực phẩm sạch cho chị em tham gia mô hình. Tất cả thành viên, người góp công kẻ góp sức cùng nhau chăm sóc cây trồng. Vụ mùa đầu tiên bầu bí, cải xanh, rau muống… thay nhau cho rau xanh, quả sạch, không những đủ cung cấp cho nhu cầu lương thực hàng ngày cho các thành viên cùng tham gia mà còn dư để bán gây quỹ cho mô hình kinh tế sạch tiếp tục bước sang giai đoạn phát triển khác.

Kinh tế sạch, môi trường xanh

Ông Phạm Văn Trong, Chủ tịch UBND xã An Long cho biết, mô hình kinh tế sạch của Hội LHPN xã đã nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc bảo vệ môi trường. Việc hạn chế dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trọt đã tạo ra sản phẩm xanh, sạch, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng là việc làm rất ý nghĩa đối với một xã nghèo như An Long.

Sản phẩm hoa màu từ mô hình kinh tế sạch của xã An Long đến nay đã được nhiều người biết đến. Ngoài cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng tại chỗ cho các thành viên, sản phẩm còn được bán rộng rãi tại địa bàn, qua đó hướng người tiêu dùng đến việc sử dụng nguồn thực phẩm xanh, sạch và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, số thành viên tham gia mô hình tăng từ vài thành viên ban đầu lên 45 người hiện nay; diện tích canh tác tăng từ vài trăm m2 lên 3,5ha, trong đó có 2 ha mì cao sản. Sản phẩm của mô hình ngày một đa dạng, phong phú như: cải xanh, rau muống, dưa leo, bầu… và được thay đổi liên tục trong quá trình xen canh.

Bà Khoa phấn khởi cho biết, vụ mì cao sản vừa rồi mô hình kinh tế xanh của Hội LHPN xã đã thu được 8 triệu đồng từ tiền bán mì. Số tiền này sẽ được bổ sung vào nguồn quỹ của hội, không chỉ để làm vốn cho những tính toán, kế hoạch trồng trọt cho các vụ mùa mới mà còn làm nguồn vốn lưu động cho chị em phụ nữ vay mượn để phát triển các mô hình kinh tế khác, giúp đời sống chị em ngày được cải thiện.

Mô hình kinh tế sạch của Hội LHPN xã An Long được trao giải thưởng “Môi trường xanh 2015”. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, mô hình kinh tế này vừa bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Thực hiện mô hình này không đòi hỏi quá nhiều vốn, lại tận dụng triệt để nguồn quỹ đất tại các vùng mới trồng cao su non, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị đất nông nghiệp trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”. Vì thế, mô hình này rất đáng được nhân rộng.

 

 PHÙNG HIẾU

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên