Mô hình “Thành phố thông minh”: Nhìn từ Jakarta

Cập nhật: 06-04-2016 | 08:57:54

 “Thành phố thông minh - Smart city” là một khái niệm mới mẻ và chưa có sự thống nhất, nhưng hiện nay đó là một xu thế tất yếu. Về cơ bản, “Thành phố thông minh - Smart city” được hiểu như việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, kết nối các dữ liệu cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và xã hội.

 Nhìn chung, để đánh giá thành phố thông minh sẽ căn cứ vào các yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện, dựa trên các tiêu chí: Nền kinh tế thông minh, vận động thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Chính vì những hiệu quả thiết thực cho cả người dân và chính quyền, giải pháp “Thành phố thông minh - Smart city” đã và đang được chính quyền nhiều thành phố trên thế giới quan tâm và hướng đến.

Những kinh nghiệm quý

Hiện nay, có rất nhiều thành phố trên thế giới xây dựng thành phố thông minh với nhiều điều kiện, tiêu chí khác nhau. Với điều kiện của các thành phố của Việt Nam hiện nay thì tham khảo mô hình của các thành phố có điều kiện gần gũi và có nhiều nét tương đồng của một thành phố đang phát triển là cần thiết như tương đồng về cơ sở hạ tầng, mạng viễn thông, số người sử dụng internet, trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế - xã hội… Quá trình xây dựng chương trình thành phố thông minh của Jakarta (Indonesia), một thành phố có rất nhiều nét tương đồng với các đô thị của Việt Nam có thể là một tham khảo bổ ích.

Bản đồ tương tác dữ liệu từ Qlue báo cáo tình trạng kẹt xe, vi phạm giao thông, sự cố hạ tầng như nắp cống bị hỏng kèm mô tả, thông tin địa điểm

Tại Indonesia, từ cuối năm 2014, chính quyền thành phố Jakarta đã bắt đầu đưa chương trình “Jakarta Smart city” vào hoạt động nhằm hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Chương trình “Jakarta Smart city” được triển khai thông qua website tại địa chỉ http://smartcity.jakarta.go.id, ứng dụng Qlue cho người dân tại địa chỉ http://qlue.co.id và ứng dụng CROP Jakarta (dịch vụ phản hồi nhanh) cho cán bộ, công chức, viên chức tại địa chỉ http://crop.jakarta. go.id. Tất cả chương trình trên đều có phiên bản trên điện thoại thông minh có trên kho ứng dụng App Store của Apple chạy trên nền tảng iOS hay kho ứng dụng CH Play của Google chạy trên nền tảng Android. Đây là 2 nền tảng chiếm trên 95% điện thoại thông minh hiện nay nên bảo đảm đa số người dân và cán bộ, công chức, viên chức có thể tiếp cận và sử dụng dễ dàng.

Website Smartcity sử dụng các tiện ích dựa trên nền tảng Google Map và dữ liệu từ ứng dụng giao thông Waze dành cho điện thoại thông minh, đồng thời cũng tích hợp ứng dụng Qlue và CROP. Smartcity sẽ hiển thị dữ liệu từ Qlue phản ánh theo thời gian thực của người dân trong đô thị các tình trạng kẹt xe, vi phạm giao thông, ngập úng, tội phạm, cháy nổ, rác thải, cây đổ, sự cố đường sá, cầu cống, ăn xin, quảng cáo sai phép… Dữ liệu được trung tâm điều hành Chương trình Smartcity ghi nhận và phân công cho công chức, viên chức phụ trách phản hồi thông qua ứng dụng CROP. Với CROP, công chức, viên chức gần nhất trong khu vực phụ trách sẽ được hệ thống thông báo các phản ánh của người dân và phải nhanh chóng phản hồi, xử lý, trong khi các cán bộ quản lý có thể theo dõi quá trình xử lý những phản ánh này.

Ngoài ra, Smartcity còn cung cấp thông tin trên bản đồ tương tác về các địa điểm như trụ sở các cơ quan Nhà nước, hệ thống camera công cộng, trường học, bệnh viện, trạm xăng, nhà hàng, các tuyến xe bus, các điểm tham quan, du lịch, giải trí… để phục vụ việc tra cứu dễ dàng cho người dân và du khách.

Sảnh điều hành chương trình Smartcity ở Jakarta

Người dân được phục vụ tốt hơn

Để vận hành có hiệu quả chương trình, chính quyền thành phố Jakarta đã thành lập một trung tâm phụ trách Jakarta Smart city thuộc Cơ quan thông tin và truyền thông với hơn 100 nhân viên, bao gồm công chức, viên chức và các chuyên gia công nghệ thông tin. Trung tâm được đặt trên tầng 3 của tòa Thị chính, với văn phòng chính rộng hơn 500m2 được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp thị trưởng và các cán bộ phụ trách có thể trực tiếp theo dõi và chỉ đạo hoạt động nhanh chóng, kịp thời. Văn phòng được mở cửa tự do cho công chúng và mọi người dân đều có thể đến tham quan trực tiếp quá trình điều hành chương trình và đóng góp ý tưởng để giúp chính quyền thành phố cải thiện các dịch vụ hơn nữa.

Thời điểm chương trình mới đi vào hoạt động, chỉ có khoảng 300 máy quay camera. Hiện nay, con số này là hơn 1.000 máy quay camera được lắp đặt trên toàn thành phố và sẽ còn tiếp tục tăng nhằm phục vụ tốt nhất cho những nhu cầu khác nhau như giám sát giao thông, giám sát xử lý rác thải, báo cáo cháy nổ, giúp truy tìm tội phạm… Tất cả thiết bị đều có kết nối internet 4G, được kết nối với trung tâm điều hành để phân tích dữ liệu và xử lý nhanh chóng. Ví dụ như các camera an ninh và giao thông đã ghi nhận trực tiếp vụ khủng bố xảy ra ở giao lộ gần Trung tâm thương mại Sarinah vào tháng 1-2016 vừa qua. Hình ảnh truyền trực tiếp đến trung tâm điều hành, qua đó giúp lực lượng an ninh và cảnh sát phản ứng nhanh, phong tỏa hiện trường và xử lý kịp thời, giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra.

Trong thời gian tới, dự kiến Smartcity sẽ tích hợp với chương trình quản lý của cảnh sát nhằm tăng cường phản ứng của cảnh sát chống tội phạm như trộm cắp, cướp giật... cũng như nâng cấp mở rộng thêm các tính năng tiện ích cho người dân. Hiện nay, hệ thống camera và hạ tầng mạng 4G đã phủ sóng toàn bộ thành phố, cùng với triển khai thêm những ứng dụng thông minh mới sẽ giúp hỗ trợ cho Smartcity hiệu quả hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng như những dự án thành phố thông minh khác, trong thời gian đầu triển khai, Jakarta cũng gặp phải một số khó khăn và trở ngại khi triển khai ứng dụng giải pháp thành phố thông minh Smartcity. Quá trình này đòi hỏi ngoài việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ viễn thông thì khi triển khai ứng dụng cần đi kèm với thay đổi tư duy quản lý, hướng đến việc phổ cập công nghệ hiện đại cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó không ngừng thúc đẩy chất lượng cuộc sống đô thị của người dân.

Ở nước ta hiện nay, theo các chuyên gia, một số đô thị có điều kiện thích hợp áp dụng mô hình đô thị thông minh như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thủ Dầu Một - Thành phố mới Bình Dương, Thái Nguyên, Hạ Long, Huế, Nha Trang, Quy Nhơn… Phát triển thành phố thông minh ở nước ta được các chuyên gia khuyến khích như là giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn và tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền. Đây cũng là mục tiêu mà nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp đang hướng đến.

 NGUYỄN KIẾN PHÚC (Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên