Mở rộng kênh phân phối hàng Việt

Cập nhật: 31-08-2020 | 07:58:05

Để triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp (DN), đơn vị đã đa dạng hóa kênh phân phối hàng Việt. Tuy vậy, vẫn cần những giải pháp dài hơi dể hàng Việt tiếp tục vươn xa trên thị trường.

 Quá trình xây dựng thương hiệu Việt đòi hỏi DN cần tổ chức lại từ sản xuất đến phân phối. Trong ảnh: Đưa hàng Việt về KCN tại phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát

 Tạo sức lan tỏa

Thực hiện Chương trình hành động số 99-CTHĐ/TU ngày 18-6-2015 về thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) giai đoạn 2015- 2020, Ban chỉ đạo CVĐ 9 huyện, thị, thành phố đã được thành lập nhằm nhanh chóng triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Mục tiêu là vận động tất cả cán bộ, nhân dân thay đổi nhận thức và hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ do DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh Việt Nam làm ra. Đồng thời các DN, nhà sản xuất của Việt Nam cũng cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng (NTD), xây dựng thương hiệu của địa phương, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ cho nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam…

Theo đó, trong 5 năm qua, các sở, ngành, địa phương, DN đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện CVĐ, trong đó có giải pháp đa dạng hóa các hình thức, mở rộng kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) và mở rộng thị trường trong nước, đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.

Thời gian qua, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện rất đa dạng các hoạt động XTTM dành cho DN Việt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa hàng Việt về nông thôn và khu, cụm công nghiệp, bình ổn thị trường, hỗ trợ DN tham gia XTTM, kết nối giao thương… Hoạt động mở rộng kênh phân phối ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa lớn, nguồn cung sản phẩm đa dạng, chất lượng.

Với sự hỗ trợ của các siêu thị trên địa bàn tỉnh, nhiều DN đã mở rộng được thị phần, nhất là kênh bán lẻ hiện đại. Theo ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương, việc bền bỉ với chiến lược nội địa hóa đã nâng tỷ lệ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 90 - 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại Co.opmart Bình Dương. Siêu thị đã tạo ra những tác động đáng kể đến cả 2 chủ thể trong mối quan hệ tiêu dùng là DN Việt và NTD Việt.

Các DN ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của thị trường tiêu thụ nội địa, nỗ lực đầu tư để khai thác thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động quảng bá, truyền thông tự giới thiệu hàng hóa, đưa hàng đến chợ, siêu thị. Bên cạnh đó, DN còn tham gia các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt, qua đó mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu, tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhờ vậy, hàng Việt đã được nhiều người tiêu dùng ngày càng biết và tìm mua.

Ông Nguyễn Trường An, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH MTV TMDV VT Nhã Thy (sản phẩm cà phê, bột ngũ cốc, giải khát), cho biết nhiều năm gần đây, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện để DN tham gia các phiên chợ, hội chợ trong nước, các chuyến hàng về nông thôn. Đây là cầu nối để DN quảng bá hình ảnh cũng như mở rộng giao thương. Theo ông An, nếu trước đây thị trường tiêu thụ đa phần tại khu vực Bình Dương, nhưng sau 8 năm kiên trì theo đuổi các chuyến hàng đến nhiều nơi trong nước, đến nay DN đã xây dựng được hệ thống tiêu thụ tại 12 tỉnh, thành. Số lượng khách hàng tiềm năng tăng cao và số đơn hàng cao hơn gấp nhiều lần.

Nâng tầm thương hiệu Việt

Nhờ các chương trình hợp tác, XTTM và sự nỗ lực của bản thân DN đã khuyến khích các thành phần kinh tế của địa phương liên kết, mở rộng kênh phân phối, thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng hóa. Tuy vậy, việc mở rộng kênh phân phối, đưa hàng Việt đến NTD vẫn cần nỗ lực hơn. Chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ dịp tết vừa qua chị được người bạn tặng hộp cà phê rất ngon, lại là sản phẩm của DN Bình Dương sản xuất nên chị đến chợ tìm mua nhưng không hề đơn giản. Theo chị, không chỉ người mua mà người bán cũng đang cần hàng Việt chất lượng. Nếu DN chưa đầu tư chi phí cho quảng cáo tiếp thị, ký gửi sản phẩm sẽ khó phát triển thị phần và tìm kiếm được khách hàng mới.

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay Bình Dương không thiếu sản phẩm đặc trưng của địa phương, có thương hiệu. Tuy nhiên, đối tượng sản xuất lại là cơ sở vừa và nhỏ, sản xuất theo phương pháp thủ công nên việc kiểm định chất lượng còn nhiều hạn chế. Điều này cũng khiến các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ còn nhiều băn khoăn khi đưa sản phẩm vào thị trường. Để giải quyết vấn đề này, những DN có sản phẩm đặc trưng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể hỗ trợ nhà sản xuất tiếp cận công nghệ chế biến mới, phù hợp, đầu tư về mẫu mã, bao bì để sản phẩm trở nên bắt mắt hơn, từ đó chinh phục NTD và vươn xa trên thị trường.

 Từ đầu năm đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tổ chức các buổi tuyên truyền CVĐ, lồng ghép với các nội dung tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm thúc đẩy khôi phục sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Kết quả, các đơn vị đã tuyên truyền được 329 cuộc, với 20.431 lượt người dự. Hình thức thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, phù hợp như tăng cường hoạt động trên không gian mạng, qua đó tạo thành các đợt tuyên truyền cao điểm, kịp thời các chương trình của CVĐ đề ra.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên