Mở rộng tự chủ cho các trường đại học

Cập nhật: 27-08-2014 | 08:46:55

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ĐH còn chậm, cần phải đẩy nhanh hơn...

Sáng qua (26-8), tại cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường đại học (ĐH) công lập, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ĐH còn chậm, cần phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, từ tự chủ về tài chính đến xây dựng bộ máy, nhiệm vụ đào tạo, chương trình, cấp bằng…

Thực tế, chủ trương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường ĐH thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, song mức độ tự chủ còn khác nhau. Các trường ĐH thực hiện tự chủ vẫn có rất ít quyền tự chủ chuyên môn như mở ngành nghề, chương trình đào tạo mới… Một khó khăn lớn đối với các trường ĐH tự chủ hiện nay là quy định trần học phí. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề xuất nên khuyến nghị mức thu phù hợp thay vì áp dụng mức trần học phí. Việc bỏ trần học phí không có nghĩa các trường muốn thu học phí bao nhiêu cũng được mà còn phải tính toán đến các yếu tố thị trường, chất lượng đào tạo, nhu cầu người học. Chưa kể trong mỗi trường, có những ngành học phí khá cao nhưng cũng có những ngành học phí thấp hơn rất nhiều… Mặt khác, một trường ĐH tốt không nên dựa vào học phí. Nguồn tài chính cho các trường ĐH cũng không chỉ từ thu học phí, vì vậy, cần có quy định mở rộng danh mục các nguồn thu khác. Học phí cần phải được thu theo chất lượng đào tạo và nhu cầu người học trên cơ sở chất lượng đào tạo của các trường được kiểm định độc lập, công khai.

  Mục đích xã hội hóa giáo dục trong đó có việc giao tự chủ cho các trường ĐH không chỉ vì ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Điều quan trọng hơn, giao tự chủ để tạo động lực, nền tảng, đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho các trường ĐH phát triển bền vững hơn. Được biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo giáo dục theo hướng thông thoáng, mở rộng hơn.

  Hy vọng, việc sửa đổi này cùng với những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, những khó khăn vướng mắc sẽ được tháo gỡ, các trường ĐH sẽ có những điều kiện thuận lợi để mở rộng quyền tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước

 ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên