Mở rộng ứng dụng laser châm tại trạm y tế xã, phường

Cập nhật: 14-04-2010 | 00:00:00

Việc ứng dụng laser châm vào chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp người dân tiếp cận được thiết bị điều trị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Trong năm 2010, dự án “Triển khai ứng dụng thiết bị laser công suất thấp” của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - Công nghệ (Sở Khoa học công nghệ tỉnh) sẽ mở rộng đến các trạm y tế ở xã, phường chưa được trang bị thiết bị này.

Người dân điều trị laser châm cứu tại trạm y tế xã Từ đầu năm 2000 đến nay, tỉnh Bình Dương đã thực hiện nghiệm thu 3 dự án ứng dụng laser châm cho cộng đồng (1 dự án trang cấp thiết bị laser công suất thấp (CST) cho các bệnh viện huyện, thị; 2 dự án trang cấp thiết bị laser CST cho 44 trạm y tế tuyến xã, phường). Qua đó, mỗi cơ sở y tế trên đã được trang bị 1 máy quang châm (10 đầu châm) và 1 máy quang trị liệu. Được biết, hiện nay laser châm đã được ứng dụng ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng nổi bật là Bình Dương và TP.HCM là hai địa phương được đầu tư trang thiết bị nhiều và hoạt động mạnh.

Phương pháp điều trị bằng máy quang châm laser ngày càng được người dân tin tưởng vì những hiệu quả mà nó mang lại. Tại BV Y học cổ truyền tỉnh mỗi tháng có hàng ngàn bệnh nhân đến điều trị. Trạm y tế ở tuyến xã, phường cũng ngày càng thu hút nhiều người điều trị bằng phương pháp này. Ông Lê Hưng, Chủ tịch Hội Laser y học Bình Dương cho biết từ những thực tế đã trải nghiệm, ứng dụng laser châm thời gian qua cho thấy phương pháp này có khá nhiều tiện lợi. Đây là phương pháp chiếu tia laser vào các huyệt trên cơ thể thay cho vai trò của cây kim trong châm cứu truyền thống nên laser châm không gây đau là tâm lý e ngại của đa số người bệnh, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, không gây tai biến khi tiến hành điều trị làm yên lòng cả người thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Hiệu quả giảm đau và chống viêm của laser châm (đối với các chứng bệnh thông thường trong cộng đồng) cũng đạt được như các liệu pháp châm truyền thống, nhưng lại khắc phục được nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B... do không dùng kim, không gây chảy máu da thịt. Châm cứu bằng tia laser cũng không tạo ra nhiều rác thải y tế độc hại cho môi trường.

Thao tác laser châm lại đơn giản hơn thao tác châm truyền thống (người thầy thuốc chỉ cần định vị tia laser theo đúng phác đồ huyệt theo bệnh lý rồi vận hành đúng các thông số kỹ thuật quy định độ nông sâu của huyệt vị và độ kích thích nhanh - chậm của tia laser, là đem lại kết quả chữa bệnh...), điều này luôn là khả thi và hữu dụng cho tuyến y tế cơ sở xã, phường, giúp cho người bệnh ở các vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được dễ dàng với laser châm (khi cần chữa các chứng bệnh thông thường hàng ngày).

Với những hiệu quả thiết thực mà phương pháp quang châm laser mang lại thời gian qua đã tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng, phù hợp với chủ trương kết hợp Đông - Tây y của ngành y tế. Với nhu cầu mở rộng triển khai ứng dụng laser châm xuống các trạm y tế tuyến xã, phường để người dân nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa còn khó khăn của tỉnh có thể tiếp cận với phương pháp điều trị mới này. Vừa qua, Hội đồng khoa học tỉnh đã thông qua việc chọn đề tài “Triển khai ứng dụng thiết bị laser công suất thấp” tại các trạm y tế xã, phường còn lại chưa được triển khai. Khi dự án này được triển khai trong năm 2010 thì tất cả các trạm y tế xã, phường trong toàn tỉnh đều được trang bị máy laser châm và một đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo để sử dụng thiết bị hiệu quả. Người dân ở các xã vùng xa còn khó khăn sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên