Mối nguy từ rắn lục đuôi đỏ 

Cập nhật: 26-11-2015 | 09:29:02

Hơn 2 tháng qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng loạt cá thể rắn lục đuôi đỏ, gây tâm lý lo sợ cho người dân. Đáng chú ý là tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện không chỉ ở địa bàn các huyện, thị phía bắc của tỉnh, mà ngay cả ở TP.Thủ Dầu Một cũng có trường hợp vừa bị rắn cắn phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Suýt mất mạng vì rắn lục đuôi đỏ

Sáng 24-11, bà N.T.U. một người dân ngụ phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một vẫn chưa hết lo sợ khi trao đổi với chúng tôi về chuyện bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại sân nhà mình cách nay hơn 1 tuần. Bà U. cho biết: “Xung quanh nhà tôi ngoài cây cảnh thì không trồng nhiều cây khác nhưng không hiểu sao vẫn có rắn lục đuôi đỏ. Khoảng 7 giờ tối 16-11, khi tôi vừa đi công việc trở về nhà và trong lúc đang đứng mở cửa cổng thì bỗng nhiên bị rắn cắn vào bàn chân trái, mặc dù tôi không hề đạp lên rắn. Rất may là tôi đã được người thân kịp thời đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu truyền huyết thanh nên không nguy hiểm đến tính mạng…”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù bà U. bị rắn lục đuôi đỏ cắn cách nay hơn một tuần nhưng hiện bàn chân vẫn còn sưng rất to. “Trong đời tôi đây là lần đầu tiên phải chịu cảnh đau đớn như thế này; vì nọc của rắn lục đuôi đỏ sau khi cắn rất đau và gần như tê liệt cả chân. Đến nay, sau khi xuất viện, mặc dù vẫn còn uống thuốc theo toa bác sĩ nhưng hiện bàn chân tôi vẫn chưa hết sưng, đau. Mấy ngày nay, một số người dân đã chỉ dẫn tôi đi bó thêm thuốc nam nên có phần giảm sưng, đau… Sau thời gian nằm viện tôi nhận thấy, đa phần những người bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhập viện cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là bị cắn vào buổi chiều tối và phần lớn là ở sân vườn nhà. Thậm chí có không ít trường hợp rắn chui nằm trong giày dép phụ nữ, khi chị em xỏ chân mang giày thì bị cắn…”.

Tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện “bất thường” và hay gặp nhiều nhất trong thời gian gần đây còn phải kể đến địa bàn phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Nhiều người cứ nghĩ có lẽ đây là địa bàn có nhiều cây cối nên chuyện có rắn là bình thường, nhưng nhiều hộ gia đình sống quanh khu vực thì có cảm nhận khác. Bác T.V.L, (ngụ KP.Phú Hòa, phường Hòa Lợi), cho biết: “Trong mấy tháng gần đây, xung quanh vườn nhà tôi có rất nhiều rắn lục đuôi đỏ xuất hiện, trong đó có những con có chửa bụng rất to. Mới đây khi tôi đang tỉa cành cây kiểng thì suýt bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ban ngày loài rắn này trông rất chậm chạp. Tuy nhiên, việc nhiều rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường trên địa bàn thì sẽ rất nguy hiểm cho người dân, nhất là những người già sức khỏe yếu và trẻ nhỏ. Rất cần ngành chức năng có giải pháp hướng dẫn bà con cách phòng tránh và xử lý nếu chẳng may bị rắn cắn…”.

Trong tâm trạng vẫn chưa hết lo sợ, em T.T.N, một học sinh lớp 10, hiện ngụ tại phường Hòa Lợi, cho biết: “Mới đây, khoảng gần 19 giờ tối em ra đóng cửa cổng nhà thì suýt đạp phải rắn lục đuôi đỏ. Không hiểu sao thời gian gần đây, cứ vào chiều tối là rắn lục đuôi đỏ thường bò ở sân nhà em và gia đình đã đập được rất nhiều con…”.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, cách nay không lâu, anh C., một người dân ngụ KP.Phú Hòa, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát cũng gặp nguy hiểm đến tính mạng khi dẫm phải rắn lục đuôi đỏ và bị cắn khi đang cạo mủ cao su. Rất may anh C. đã kịp thời gọi người thân đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu và điều trị. “Tuy vụ việc chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng chi phí điều trị, ăn ở và đi lại cũng rất tốn kém cho gia đình”, anh C. bộc bạch. Anh mong muốn địa phương có giải pháp để tư vấn, khuyến cáo cho người dân cách phòng ngừa rắn cắn.

Phải cấp cứu kịp thời khi bị rắn cắn

Trao đổi với P.V, bác sĩ Cao Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Bình Dương cho biết, qua thống kê từ phòng cấp cứu ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, hiện rắn lục đuôi đỏ đã xuất hiện nhiều ở các xã, phường trong tỉnh và cắn người. Đây là loài rắn độc, sống trong rừng. Tuy nhiên thời gian gần đây, loài rắn này xuất hiện nhiều ở các trung tâm phố thị của nhiều tỉnh, thành mà chưa rõ nguyên nhân!

Theo bác sĩ Tùng, đây là loài rắn độc, rất nguy hiểm. Nếu người bị rắn cắn không nhập viện cấp cứu kịp thời sẽ bị đông máu, xuất huyết nội; tiếp đến bị sốc giảm thể tích, tụt huyết áp, mơ màng, hốt hoảng và cuối cùng là chết do trụy tim mạch… Để phòng ngừa và điều trị kịp thời khi rắn cắn, người bị rắn cắn phải bình tĩnh, xác định rõ đó là rắn độc hay không độc. Thường thì rắn độc có 4 răng nanh rất nhọn thể hiện qua vết cắn.

Bác sĩ Tùng khuyến cáo khi bị rắn lục đuôi đỏ cũng như các loại rắn độc khác cắn, người bị rắn cắn cần phải hết sức bình tĩnh, tránh bị sốc. Sau đó, nạn nhân cần được đưa vào nơi khô ráo, thoáng mát để nằm nghỉ chờ cấp cứu; tránh đi lại, vận động. Nếu vận động nhiều thì máu sẽ lưu thông nhanh, nọc độc rắn sẽ nhanh chóng xâm nhập vào bên trong nội tạng theo đường máu. Cần dùng nước rửa sạch vết thương rắn cắn, tránh để vết thương nhiễm trùng. Không nên dùng dao lam hay các vật sắc nhọn để cắt, rạch vết thương vì cách làm này dễ gây ra nhiễm trùng. Sau khi rửa sạch vết thương, người bị rắn cắn dùng tay bóp mạnh vào vết thương để loại trừ bớt nọc độc. Và có thể dùng dây ca rô, hoặc băng chèn các tĩnh mạch, hạn chế nọc độc phát tán khi bị rắn cắn, nhưng phải bảo đảm bắt được động mạch.

“Trước việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều nơi, bà con cần tăng cường phòng ngừa bằng cách phát quang bụi rậm gần nhà, nhất là cảnh giác ở những giàn hoa, dây leo trước nhà. Vào thời gian chập choạng tối, trẻ em không nên đứng gần khu vực này để tránh bị rắn cắn. Khi cắt tỉa, chăm sóc cây cối hay hái hoa, lá, bà con phải hết sức cẩn thận. Bởi, loài rắn lục có thân hình màu xanh như màu lá cây nên rất khó phát hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nâng cao cảnh giác trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay”, bác sĩ Tùng cho biết thêm.

 Việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện trên địa bàn dân cư có rất nhiều nguyên nhân, có thể bằng con đường di chuyển theo tự nhiên của loài rắn, hoặc cũng có thể thông qua việc người dân chữa bệnh bằng đông y, trong đó có sử dụng đến rắn, trong quá trình vận chuyển bất cẩn làm rắn thoát ra…

Trên thực tế, sự việc này không thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành kiểm lâm, công tác của chúng tôi chủ yếu liên quan đến rừng và địa bàn lân cận; các vụ việc liên quan đến vận chuyển trái phép thú rừng… Có chăng trong trường hợp này là công tác phối hợp giữa ngành kiểm lâm cùng các ban, ngành trong việc tổ chức tuyên truyền trong nhân dân về sự nguy hại của rắn lục đuôi đỏ. Hiện tại, nếu địa phương nào có sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền địa phương đó. Chính quyền sở tại cần phải nhanh chóng nắm bắt thông tin, khoanh vùng những nơi có sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ, tiến hành tổ chức tìm kiếm, bắt và tiêu diệt loài nguy hiểm này để tránh gây hoang mang trong cộng đồng dân cư.

(Ông Trần Văn Nguyên, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương)

 
NHÓM PHÓNG VIÊN BĐ-PL

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên